Năm 2017, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố và các tổ chức chính trị – xã hội đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
2017 Bà Phan Thị Hồng Nhung – UV Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam – Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo Khoa học về công tác giám sát, tư vấn phản biện và giám định xã hội
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 09 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giám sát và phản biện 2017. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ thành lập Đoàn giám sát về nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở tại UBND xã Định Môn, huyện Thới Lai, UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Giám sát 02 vụ giải quyết khiếu nại của công dân tại UBND quận Bình Thủy và UBND huyện Thới Lai. Giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính và dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp; khảo sát sự hài lòng của người dân về công tác cải cách hành chính tại UBND huyện Cờ Đỏ và UBND huyện Phong Điền. Qua giám sát, Đoàn nhận thấy công tác tiếp công dân được lãnh đạo quan tâm, bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, cán bộ tiếp công dân là những người có trách nhiệm, có năng lực. Việc tiếp dân, tiếp nhận đơn tập trung tại một điểm đã tạo thuận lợi cho người dân và giúp cho công tác theo dõi, phân loại, xử lý đơn tập trung và kịp thời. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân đúng quy định của pháp luật.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt các Nam quận, huyện đã giám sát được 31 nội dung đã đăng ký; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát được 199 nội dung đã đăng ký. Nội dung giám sát: Giám sát công tác phòng, chống dịch chủ động và vệ sinh an toàn thực phẩm; Giám sát tinh thần, thái độ phục vụ khám, điều trị bệnh cho Nhân dân của đội ngũ Y, Bác sĩ; việc thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới; công tác vận động xã hội hóa chăm lo chính sách an sinh xã hội; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc, giám sát nâng cao hiệu quả việc giải quyêt khiếu nại tố cáo,….
Ngoài các cuộc giám sát do Ban Thường trực MTTQ các quận, huyện chủ trì, MTTQ các quận, huyện còn tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND quận, huyện Ban pháp chế, Ban kinh tế- xã hội HĐND quận , huyện giám sát các nội dung: Luật Dân quân tự vệ, việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định của quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, về đất đai, về kinh tế tập thể, kinh tế nông nghiệp, đô thị, thực hiện quy chế dân chủ, cải cách thủ tục hành chính, xử lý đơn thư khiếu nại, giám sát hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân. Kết quả tham gia các đoàn giám sát có 198 cuộc. Qua đó kịp thời phát hiện và đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết ở khu dân cư, hạn chế các vụ việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Vai trò của 85 Ban thanh tra nhân dân và 85 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được phát huy, tạo thành ý thức trong nhân dân, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát. Qua đó, các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, gây lãng phí của cán bộ, viên chức Nhà nước đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần rất lớn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thành lập 03 hội đồng tư vấn với 24 thành viên, gồm: Hội đồng Tư vấn Dân chủ, pháp luật, Hội đồng Tư vấn Dân tộc, tôn giáo và Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – xã hội. Các hội đồng đã góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của Mặt trận, đặc biệt là công tác giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận thành phố tổ chức Điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân vào sáng thứ 6 hàng tuần và hướng dẫn công dân khởi kiện đúng pháp luật. Hội đồng đã tư vấn 14 trường hợp.
Trong thực hiện phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 2 Hội nghị phản biện và tham gia góp ý 23 văn bản Luật của QH, Nghị quyết HĐND, dự thảo Nghị định như: Dự án Luật Trợ Giúp Pháp lý, Thủy Lợi, Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Quốc phòng, Luật đo đạc và bản đồ… các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố; góp ý dự thảo Thông tri về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư Cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Tờ trình và Quyết định Quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố Cần Thơ; dự thảo phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ; dự thảo Công văn của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức thực hiện thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Cần Thơ; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP; góp ý các văn bản về thực hiện chính sách nâng mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội còn nhiều mặt hạn chế, như: Một vài đơn vị còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; kết quả việc thực hiện công tác giám sát nhiều hơn phản biện xã hội, ngay như thành phố trong năm thực hiện công tác phản biện được 2 cuộc; một số nơi làm còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện chưa thật sự tốt.
Để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, năm 2018 MTTQ Việt Nam các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Một là, Phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Có chương trình phối hợp cụ thể với các cơ quan truyền thông tạo sức mạnh công khai của giám sát, phản biện xã hội.
Hai là, Tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương.
Ba là, Lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội. Quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp. Phát huy các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Sau giám sát và phản biện xã hội, cần theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát.
Nguyễn Văn Mun – UVTT- Trưởng Ban DC – PL Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố