CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Cần Thơ tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị (khóa XII) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức

Ngày 16/5/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các ông Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Dân Vận Trung ương.

Tại điểm cầu Cần Thơ, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, ông Nguyễn Thành Đông, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các vị Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực  Ủy ban MTTQ VIệt Nam thành phố, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận huyện cùng tham dự Hội nghị trực tuyến.

Trong 3 năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam triển khai giám sát việc quản lý và sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp; Giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp; Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định và triển khai giám sát các nội dung môi trường nóng, bức xúc cần tập trung giám sát hàng năm; Giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai giám sát thực hiên Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ; Giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tích cực triển khai sớm tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015; Giao Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam triển khai thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Hoạt động phản biện xã hội được triển khai bước đầu đã có chiều sâu, hiệu quả. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức được 784 cuộc; cấp huyện 4.043 cuộc; cấp xã 25.834 cuộc.

Tại Hội nghị, sau khi bà Trương Thị Mai phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn báo cáo tóm tắt kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và 09 tham luận, gồm: Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Dân vận tỉnh Lào Cai và 06 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành đã nêu lên những kết quả thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, cùng những khó khăn, thuận lợi, bài học kinh nghiệm và những kiến nghị để thực hiện có hiệu quả 2 Quyết định này.

Ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt trình bày tham luận của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ

Đối với Cần Thơ, sau khi tiếp thu Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Thường trực Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo tổ chức triển khai trong hệ thống chính trị, phân công các cơ quan có liên quan tham mưu để Thành ủy ban hành các chủ trương chỉ đạo thực hiện 2 quyết định này trong thành phố Cần Thơ. Tiếp thu Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ; thực hiện  các Hướng dẫn, Kế hoạch của Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chủ động triển khai và tổ chức tập huấn công tác Giám sát và phản biện xã hội cho hệ thống MTTQ các cấp cũng như phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác giám sát, phản biện cho cán bộ chủ chốt MTTQ các tỉnh, thành khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Các đoàn thể chính trị – xã hội của thành phố và MTTQ 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn đã tích cực triển khai trong toàn hệ thống. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức được 141 cuộc, trong đó MTTQ thành phố đã chủ trì 9 đợt giám sát với 53 cuộc; tham gia giám sát cùng các tổ chức và Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố được 68 cuộc. Cấp quận, huyện 327 cuộc, nội dung giám sát, như: giám sát việc xây dựng nhà đại đoàn kết, giám sát việc vận động xã hội hóa các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân mua bảo hiểm  y tế; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; việc chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng trên địa bàn; giám sát an toàn thực phẩm;… Cấp xã, phường, thị trấn 230 cuộc; Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện giám sát trên 1.500 cuộc. Về công tác phản biện xã hội, UBMTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết của trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, các quận, huyện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân tạo nên sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất hành động. Nội dung của phản biện xã hội tập trung vào các vấn đề như: các dự thảo đánh giá tình hình kinh tế xã hội và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương hàng năm, các dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp HĐND các cấp, phản biện luật tín ngưỡng tôn giáo; phản biện luật hình sự; luật Quy hoạch;… một số vấn đề thời sự được xã hội quan tâm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Tại sao MTTQ phải làm nhiệm vụ GS-PB; vì hiện nay trong cả nước với hơn 11.000 xã, phường, thị trấn; rất nhiều bộ máy chính quyền, doanh nghiệp. Nếu chỉ có các cơ quan này giám sát thì không xuể, do đó cần có hệ thống Mặt trận và Nhân dân giám sát. Một yếu tố quan trọng nữa là do yêu cầu trong thực hiện của cơ chế chính trị của nước ta: vừa phản ánh yêu cầu của khoa học quản lý vừa phản ánh yêu cầu của hệ thống chính trị. Do đó, Mặt trận cần xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình. Nếu cấp ủy Đảng xác định rõ nhận thức về vấn đề này mang tính chất quyết định cho sự tồn tại của Đảng, của chế độ thì sẽ lãnh đạo tốt để hệ thống chính trị làm tốt công tác giám sát – phản biện xã hội; cần nhận thức đồng bộ về công tác giám sát – phản biện. Đảng lãnh đạo, Mặt trận giám sát – chính quyền quyền và các thành viên được giám sát tiến hành đồng bộ và có quyền, có trách nhiệm như nhau, thì chúng ta sẽ thành công. Về kết quả 3 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định 3 năm qua, hầu hết các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều tham gia giám sát; ở Trung ương 10 bộ ngành  đã tham gia nếu không có quyết tâm cả nước đã không có 56.000 cuộc giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên. Cả nước có hơn 30.000 cuộc phản biện. Đây là phản ảnh trên 30.000 ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi đến Đảng, đến Nhà nước thông qua Mặt trận. Mặt trận và chính quyền địa phương có trên 90.800 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với công dân. Tất cả với trên 178.000 lượt giám sát, phản biện, đối thoại…đó là những kết quả to lớn trong 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Đây là thể hiện tính dân chủ của nước Việt Nam chúng ta.

Trong 3 năm đã hình thành thể chế chính trị để thực hiện công tác GS-PB: đó là năm 2013 có 2 Quyết định 217, 218; năm 2015 có Luật MTTQ, đã bổ sung 2 chương về GS-PB; giám sát các dự án đầu tư; công tác thanh tra nhân dân; mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với Mặt trận-Quốc hội và Chính phủ được thiết lập chặt chẽ. Trong đó, chỉ có Quyết định 218 của Bộ Chính trị hiện nay chưa có chương trình liên tịch; việc này MTTQ và Ban Dân Vận Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn sâu về việc quy định thời gian góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Về vấn đề nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên việc này sắp tới sẽ nghiên cứu tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện Mặt trận các cấp đã rất lắng nghe ý kiến của nhân dân đề xuất với Đảng-Chính quyền để tập trung giám sát cho đúng-đủ và đảm bảo sự đồng thuận.

Những hạn chế, khó khăn: Trong 3 năm qua, có những nơi chưa thực sự quan tâm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; có những nơi né tránh nhân dân do nhận thức của cấp ủy, chính quyền và năng lực của bản thân hệ thống Mặt trận. Về kinh phí cũng chưa được đáp ứng kịp thời. Nhìn chung việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị trong 3 năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Dân Vận Trung ương trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Dân Vận Trung ương xây dựng, phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam” để giúp cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nền nếp, có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn. Có chương trình phối hợp hướng dẫn về việc Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng chính quyền. Hướng dẫn Mặt trận, tổ chức thành viên dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ giám sát cá nhân và người đứng đầu các tổ chức của Đảng.

Nguyễn Văn Mun