Sáng ngày 31/10/2017, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội”. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và đại diện các Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh: Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Tiền Giang. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng đại diện các sở ngành thành phố, đại diện UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện cùng tham dự Hội thảo Khoa học. Bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ ; Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Cần Thơ; Ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ chủ trì Hội thảo.
Bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa, tầm quan trong của việc giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội và những yêu cầu của Hội thảo đề ra. Bà cũng nhấn mạnh việc trong cả nước với trên 11.000 xã, phường, thị trấn, rất nhiều bộ máy chính quyền, doanh nghiệp; nếu chỉ có các cơ quan này giám sát thì không xuể, do đó cần có hệ thống Mặt trận và các đoàn thể nhân dân giám sát để đảm bảo xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch. Bà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để đi sâu, việc tư vấn, giám sát, phản biện và giám định của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đối với việc nâng cao chất lượng thể chế, chính sách do các cơ quan có thẩm quyền xây dựng. Nêu lên những ưu điểm, những khó khăn, hạn chế và kinh nghiệm hay trong việc thực hiện chức năng giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đồng thời đề xuất các giải pháp để hoạt động giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội thời gian tới đạt hiệu quả cao.
Trong thời gian qua năng lực gáim sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở thành phố Cần Thơ đã từng bước được nâng lên, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã tổ chức 141 cuộc giám sát, trong đó MTTQ thành phố đã chủ trì 9 đợt giám sát với 53 cuộc; tham gia giám sát cùng các tổ chức và Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố được 68 cuộc; Cấp quận, huyện 327 cuộc; Cấp xã, phường, thị trấn 230 cuộc; Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện giám sát trên 1.500 cuộc. Tổ chức gần 200 cuộc phản biện xã hội và góp ý kiến vào các nội dung lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, địa phương cũng như các vấn đề đời sống thực tế của người dân các tổ chức thành viên. Có nhiều cuộc giám sát mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên Hiệp hội Việt Nam cho biết để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của các cơ quan nhà nước về vai trò, năng lực và sự cần thiết thu hút sự tham gia của các tổ chức hội vào quá trình xây dựng chính sách. Cần tạo lập cơ sở pháp lý cho việc chuyển từ cơ chế “lấy ý kiến” sang cơ chế “tham gia” của nhân dân nói chung, của các chuyên gia, các nhà khoa học nói riêng. Cần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hội: Luật về Hội; Luật Tiếp cận thông tin; Giám sát, phản biện xã hội; Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; một số quyền cụ thể (như quyền tham gia xây dựng pháp luật, tham gia quản lý nhà nước…).
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Ban pháp chế HĐND thành phố kiến nghị MTTQ và các đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND thành phố để chủ động nắm thông tin liên quan đến việc ban hành chủ trương, chính sách trong thời gian tới và xây dựng kế hoạch giám sát. MTTQ cần làm tốt vai trò kết nối, chọn đối tượng tham gia phản biện cần đa dạng, cung cấp thông tin và hướng dẫn các đối tượng tham gia nêu ý kiến, phản biện lại chính sách đã dự thảo,… và điều này đòi hỏi MTTQ cần năng động, chủ động nắm thông tin và kịp thời cung cấp cho các đối tượng tham gia đảm bảo khách quan, khoa học, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Phạm Văn Đức Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội tỉnh Cà Mau cho biết thời gian qua Cà Mau đã thành lập 32 hội đồng phản biện cho 32 dự án, dự án có vốn đầu tư lớn nhất khoảng 70.000 tỉ đồng, nhỏ nhất vài trăm tỉ đồng. Đây là những dự án được dư luận quan tâm, đòi hỏi kiến thức khoa học chuyên sâu và khả năng khái quát cao; tác giả cũng nêu những hiệu quả về kinh tế-xã hội đã đem lại qua kết quả tư vấn, phản biện. qua đó tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm, như: Tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp. Thường xuyên nâng cao nhận thức về công tác này cho các ngành, các cấp. Thường trực Liên Hiệp hội chủ động đề xuất công tác tư vấn, GĐXH đối với Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh . Yếu tố quyết định trước hết là UBND tin và giao nhiệm vụ. Nếu không được giao nhiệm vụ thì dù biết làm, thậm chí làm giỏi cũng “thất nghiệp”. Thành lập hội đồng phải đảm bảo các yếu tố tối thiểu phải bằng chủ đầu tư và đơn vị tư vấn như: Về chuyên môn (họ có giáo sư, ta có giáo sư); Về uy tín chính trị (họ có Tỉnh ủy, ta cũng có Tỉnh ủy hoặc nguyên Tỉnh ủy); chúng tôi thường mời chuyên gia là lãnh đạo một số cơ quan tổng hợp như Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở khoa học & công nghệ, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Các dự án có kỹ thuật cao và phức tạp, mời chuyên gia có tầm cỡ ngoài tỉnh phản biện chính. Xây dựng Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc tỉnh với LHH nhằm thực hiện tốt chức năng Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với TV, PB, GĐXH của LHH.
Ông Tống Văn Nhịn, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, nhận định công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức triển khai, quán triệt; các cấp ủy đảng chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và đột xuất hằng năm, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, đời sống xã hội. Tránh tình trạng nhiều đoàn thể cùng giám sát 01 nội dung hoặc 01 địa phương phải tiếp nhiều đoàn giám sát.
Ông Dương Việt Thắng, Ủy viên Thường vụ LH các Hội KH&KT VN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau cho biết: Muốn làm được Liên Hiệp hội phải chủ động đề xuất, phải tiếp cận được các dự án, nắm bắt thông tin, phải có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đảng, nhà nước phải mạnh dạn giao nhiệm vụ, xem tư vấn phản biện và GĐXH là nhu cầu của Đảng, nhà nước khi đề ra chủ trương hay quy hoạch, thực hiện các dự án. Sự phối hợp LHH và MTTQ là rất cần thiết, cả nước chưa có tỉnh thành nào làm. Giữa phản biện, tư vấn và giám sát có nhiều mối quan hệ về nội dung và hình thức. Tỉnh Cà Mau sẽ xin ý kiến Ủy ban để tổ chức hội thảo như Cần Thơ đã làm. Bài học kinh nghiệm của Cà Mau là chủ động đề xuất, gợi ý xin từng dự án, bên cạnh đó qui tụ được đội ngũ chuyên gia thực hiện có hiệu quả….
Thay mặt Chủ tọa Hội thảo, bà Phan Thị Hồng Nhung cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ban Tổ chức rất vui mừng các đại biểu về dự đông đủ chứng tỏ sự quan tâm của mọi người rất lớn về công tác giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Qua 10 ý kiến tham luận, thảo luận là những ý kiến quý báu làm rõ hơn những vấn đề về lý luận, những kinh nghiệm thực tế và những khó khăn của các đơn vị và địa phương đã trình bày tại Hội thảo, những tham luận này rất quan trọng, có ý nghĩa. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đề xuất nhiệm vụ, lập kế hoạch về công tác tư vấn, giám sát, phản biện và giám định xã hội để đảm bảo công tác này có hiệu quả cqao hơn./.
Nguyễn Văn Mun