THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2024 - 2029 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X!

MẶT TRẬN TỔ QUỐC, CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI VÀ GÓP Ý XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ”Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Cần Thơ chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 19/6/2014  về hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; ban hành Quy chế số 10-QĐ/TU ngày 24/5/2019 về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân; Quy định số 1703-QĐ/TU ngày 24/5/2019 về  trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các Đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia XD Đảng, XD chính quyền.

Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố tiến hành ký kết nhiều Chương trình phối hợp với HĐND, UBND Thành phố và các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan về tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; kiểm tra, giám sát công tác thi hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020; giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;  giám sát việc trao quà, chuyển quà tết của Trung ương và thành phố, quận, huyện đến các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư theo Quy định số 76-QĐ/TW của Đảng; giám sát việc thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 và quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của BCH TƯ Đảng khóa XII về MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ Đảng viên theo Quy định số 19-QĐi/TU ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Ban thường vụ Thành Ủy Cần Thơ “ Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị”…

Kiểm tra, giám sát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giám sát điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị. Giám sát và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ; Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 05/5/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, ủy viên Ban thường vụ Thành Ủy Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát biểu khai mạc Hội nghị phản biện xã hội.

Hàng năm, Ban Thường trực UBMTTQVN TP  cùng các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng kế hoạch giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy, thông qua Ban Dân vận cho ý kiến thống nhất để tổ chức thực hiện. Trong những năm qua, công tác giám sát ngày càng được nâng chất và phát huy được những kết quả tích cực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tổ chức 28 đoàn giám sát với một số nội dung điển hình như:

Giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện, quận. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức 04 cuộc giám sát tại các quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Qua giám sát cho thấy cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện, quận được triển khai đúng quy trình, đúng tiến độ và chính xác, công khai đã tổng rà soát được 11.046 người có công với cách mạng và thân nhân, trong đó hưởng đúng chính sách 10.882 người; hưởng chưa đầy đủ chế độ, hưởng sai, chưa được xác nhận là 133 trường hợp; từ đó đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm các trường hợp này theo quy định của pháp luật.

Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tổ chức giám sát 22 cuộc. Trong đó, giám sát công tác bầu cử Trưởng ấp và khu vực nhiệm kỳ 2019-2024 được 9 cuộc, tổ chức  08 cuộc giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp số: 01-CTPH/MTTQ-TT-STP-HLG-ĐLS, ngày 14 tháng 7 năm 2015 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố với Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp, Hội Luật gia thành phố và Đoàn Luật sư thành phố về giám sát nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, giám sát 5 cơ sở y tế tại quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh về việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp với Sở Y tế thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố, Hội nông dân thành phố; Hội LHPN thành phố, Đoàn Thanh niên thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố và Liên đoàn lao động thành phố giám sát việc khám, điều trị bệnh, cấp phát thuốc BHYT trên địa bàn thành phố, giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính và dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp tại UBND huyện Cờ Đỏ; UBND huyện Phong Điền; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, UBND quận Thốt Nốt, quận Ô Môn và huyện Thới Lai.

         Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tham gia cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ, HĐND và các Ban của HĐND thành phố, Viện kiểm sát tổ chức giám sát144 cuộc về các nội dung giám sát cơ quan Công an, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm, giám sát việc cấp GCNQSDĐ; giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND thành phố tại các xã, phường, thị trấn về mức khoán, hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ hoạt động tại các xã, ấp; giám sát các Bệnh viện về công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giám sát việc chấp hành pháp luật tại nhà tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại nhà tạm giam và tạm giữ của 9 quận, huyện….

Mặt khác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện tổ chức 106 cuộc giám sát; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát được 699 cuộc; giám sát thông qua 02 BanThanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được 5.573 cuộc. Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tiếp 557 lượt công dân, nhận 566 đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tranh chấp đất đai, chế độ chính sách trong bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; đã chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, trả lời đạt 89%; thực hiện giám sát và vận động nhân dân giám sát các cơ quan nhà nước ở xã, phường, thị trấn và cán bộ, công chức trong việc công khai hóa những việc nhân dân có quyền được biết đã phát huy dân chủ khá tốt và tạo được niềm tin đối nhân dân.

Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát biểu tại buổi giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận Ninh Kiều .

Bên cạnh tập trung thực hiện nhiệm vụ giám sát, PBXH được MTTQ các cấp trên địa bàn TP đặc biệt quan tâm, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Hàng năm được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, MTTQ đã chủ động phối hợp với HĐND, UBND lựa chọn những nội dung PBXH về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân. Hoạt động PBXH ngày càng được đổi mới, sáng tạo từ cách làm đến các bước thực hiện, các ý kiến PBXH của Mặt trận được chính quyền tiếp thu, điều chỉnh khi đưa ra quyết định chính thức để triển khai thực hiện. Những năm qua, Ban Thường trực UBMTTQVN TP Cần Thơ đã tiến hành khảo sát thực tế và tổ chức 11 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết, Tờ trình, Đề án quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố theo đề nghị của UBND, HĐND TP Cần Thơ. Qua đó, Ban Thường trực UBMTTQVN TP tổng hợp đầy đủ ý kiến phản biện gởi cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án trước khi trình HĐND TP thông qua. Đối với cấp huyện đã tổ chức được 15 hội nghị PBXH; cấp xã tổ chức được 170 hội nghịPBXH.

Ngoài ra, Ban Thường trực UBMTTQVN TP  tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của Ủy viên UBMTTQVN TP, thành viên các Hội đồng tư vấn của UBMTTQVN TP  đối với các dự thảo đề án, nghị quyết, nghị quyết liên tịch và các văn bản khác của Trung ương và TP … Tất cả ý kiến tham gia góp ý được UBMTTQVN TP tổng hợp, báo cáo với cơ quan chủ trì soạn thảo.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội được Ủy ban Mặt trận trong thành phố và đoàn thể chính trị – xã hội thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện. Trong những năm qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp trong thành phố đã tích cực thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều có tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Xây dựng thông báo về hoạt động của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền và các ý kiến, kiến nghị của cử tri với HĐND, UBND tại các kỳ họp của HĐND. Từ những kết quả trên đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, đóng góp vào thành tựu chung của thành phố. Nổi bật là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị – xã hội đã tích cực tham gia góp ý các Văn kiện, nhân sự, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia góp ý. Đồng thời, Mặt trận tổ chức lấy ý kiến trong các đối tượng nhân sỹ, trí thức, chức sắc, chức việc các tôn giáo góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân thành phố tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong các công việc ở địa phương; đồng thời góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở.

Để thực hiện tốt nội dung góp ý, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội đã phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp; phát huy vai trò của thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, người uy tín ở các địa phương. Qua đó, đã tổng hợp được nhiều ý kiến tâm huyết tham gia vào dự thảo các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp để báo cáo cho cấp ủy cùng cấp kịp thời chỉ đạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện GS, PBXH và tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các Đoàn thể CT-XH vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, việc đề xuất, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể Chính trị – Xã hội trong quá trình GS, PBXH và tham gia góp ý ở một số ít địa phương, đơn vị chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng.

Công tác PBXH vẫn còn mang tính chất góp ý xây dựng các dự thảo văn bản.

Việc góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và góp ý với cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ tham mưu triển khai các nội dung công tác GS, PBXH  chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu do hạn chế về năng lực, trình độ, kinh nghiệm, một bộ phận cán bộ còn có tâm lý ngại va chạm, không dám nêu chính kiến của mình.

Để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:

– Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, Quy định của Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

– Thứ hai, Chính quyền các cấp thành phố kịp thời tiếp thu, xử lý, giải quyết; quan tâm, xem xét và giải quyết thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị sau giám sát và góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân gửi đến. Thực hiện tốt việc tham mưu tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

– Thứ ba, Mặt trận và đoàn thể CT-XH các cấp chủ động chọn lựa những nội dung giám sát và PBXH có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở nghị quyết, chương trình hành động, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của địa phương.

– Thứ tư, Nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, nhất là việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội cần đổi mới phương thức hoạt động để trở thành diễn đàn nhân dân, là nơi giao lưu, đối thoại giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân một cách thẳng thắn, công khai, trung thực và xây dựng.

– Thứ năm, hàng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận, đoàn thể, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội; kỹ năng lắng nghe, tuyên truyền, vận động quần chúng theo phương châm “lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin”. Phát huy vai trò của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận, thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

Tóm lại, để công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam thành phố có hiệu quả phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên UBMTTQVN, thành viên các HĐTV, Ban tư vấn của UBMTTQVN các cấp; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực./.

                                       Đinh Trung Trực

                                      Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố