CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Giúp nhau vượt khó

Nhận xét về hoạt động của Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ấp An Thạnh, bà Nguyễn Thị Hồng Nhớ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thông tin: "Ban CTMT ấp An Thạnh đã đoàn kết, nỗ lực vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, ấp chỉ còn 1 hộ nghèo".

Đại diện Ban CTMT ấp An Thạnh thăm hỏi tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV

Theo đồng chí Võ Phước Thế, Trưởng Ban CTMT ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú, năm 2016, ấp còn 14 hộ nghèo. Hằng năm, Ban CTMT ấp đề ra chỉ tiêu giúp 3-5 hộ thoát nghèo. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ và nỗ lực vươn lên của các gia đình, đến nay, ấp An Thạnh chỉ còn 1 hộ nghèo, là gia đình bà Nguyễn Thị Muối. Bà Muối thuộc diện người già neo đơn, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, không có ruộng đất, con cái đã lập gia đình, đi làm ăn xa. Ấp đã thường xuyên quan tâm thăm hỏi và hỗ trợ gạo, quà cho bà. Đồng chí Võ Phước Thế cho biết: "Trung bình mỗi năm Ban CTMT ấp vận động khoảng 100 suất quà giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, Tết, mỗi suất từ 200.000 đồng trở lên. Riêng năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ấp đã vận động 5 tấn gạo, 100 suất quà, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn".

Một trong những hộ nghèo được địa phương hỗ trợ, giúp đỡ vượt khó thoát nghèo là gia đình bà Phạm Thị Hai. Gia đình bà Hai đông con, ruộng đất không có, chủ yếu làm thuê kiếm sống. Bà Hai bộc bạch: "Mặt trận xã ưu tiên hỗ trợ quà, gạo vào những dịp lễ, Tết. Gia đình tôi còn được xét hỗ trợ vay 40 triệu đồng để chăn nuôi. Mới đây, Mặt trận xã đã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho gia đình tôi. Gia đình  cố gắng làm lụng vươn lên để không phụ sự quan tâm của mọi người". Một trường hợp khác cũng được địa phương thường xuyên giúp đỡ, đã thoát nghèo là bà Nguyễn Thị Đông. Bà Đông đơn thân, không chồng con, không ruộng đất sản xuất. Năm 2020, bà được địa phương vận động cất tặng nhà Đại đoàn kết. Bà Đông kể: "Ngoài việc được hỗ trợ nhà ở, tôi còn thường xuyên được giúp đỡ gạo, quà trong những ngày lễ, Tết. Tôi cũng được cán bộ ấp giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định tự lo liệu cho bản thân. Năm 2020 tôi đã được xét thoát nghèo".

Hiện nay, các đoàn thể ấp đang quản lý 4 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, cho 210 hộ vay hơn 5,1 tỉ đồng để mua bán, chăn nuôi, làm vườn... Qua đó, nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Điển hình như gia đình bà Trương Thị Thu Cúc. Bà Cúc kể, năm 2016 gia đình bà còn thuộc diện hộ nghèo do không đất sản xuất, chủ yếu làm thuê kiếm sống, con nhỏ. Căn nhà cũ của gia đình dột nát, nhưng không có điều kiện xây mới hay sửa chữa. Năm 2017, bà được xét tặng Mái ấm tình thương. Bà Cúc kể: "Cán bộ ấp, Hội Phụ nữ động viên vợ chồng tôi và làm hồ sơ giúp gia đình tôi vay vốn để thuê 2 công đất trồng dưa leo, đậu bắp, đậu xanh, hẹ, mướp… Trung bình mỗi vụ màu, trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm làm 3-4 vụ. Đến cuối năm 2018, gia đình đã được xét thoát nghèo". Tương tự, trước kia kinh tế của gia đình bà Tô Thị Tâm cũng rất khó khăn. Bà Tâm bộc bạch: "Tôi mở tiệm tạp hóa, nhưng thiếu vốn, chỉ bán cầm chừng. 5 năm nay, tôi được Chi Hội phụ nữ ấp làm hồ sơ bảo lãnh vay 40 triệu đồng để đầu tư mua sắm thêm hàng hóa, mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, tôi còn làm đầu mối rau củ quả và cá cho bạn hàng. Thu nhập tăng, kinh tế gia đình khởi sắc hơn".

Theo đồng chí Võ Phước Thế, Trưởng Ban CTMT ấp An Thạnh, hơn 5 năm qua, ấp đã giúp 13 hộ thoát nghèo. Thời gian tới, ấp sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, khơi gợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng; đồng thời, chủ động xây dựng những mô hình hiệu quả, tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, động viên bà con chí thú làm ăn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

 

Nguồn: Báo Cần Thơ