Từng thất bại khi 2 đợt con giống đầu tiên chết sạch vì thiếu kinh nghiệm, Nguyễn Thành Tân (ngụ tại khu vực Bình Dương, phường Long hòa, quận Bình Thủy) quyết tâm theo đuổi và hiện rất thành công với nghề nuôi lươn. Tân chia sẻ, mô hình này có thể mang lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
Chúng tôi cùng các cán bộ Mặt trận, Khối Dân vận phường Long Hòa tham quan mô hình nuôi lươn của Thành Tân đúng lúc Tân chuẩn bị giao lươn giống cho khách. Tân phấn khởi cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở bán ra thị trường khoảng 7.000 con giống. Sau khi trừ chi phí, thu nhập dao động khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.
Nghề nuôi lươn đến với Thành Tân rất tình cờ. Đó là mùa nước nổi năm 2009, Tân đang học lớp 12. Mỗi chiều đi học về ngang chợ Rạch Cam, thấy bà con mang lươn đồng đi bán, Tân ấp ủ ước mơ rất lạ, có thể nuôi thành công con lươn đồng và “ép” nó sinh sản. Nghĩ thì làm, Tân về gom góp tiền tiết kiệm và xin cha mẹ thêm đủ tiền mua về 20kg lươn giống (chi phí khoảng 800 ngàn đồng). Đợt đầu tiên, lươn chết sạch sau 2 ngày. Không nản lòng, Tân tiếp tục hỏi mượn tiền cha mẹ, mua thêm 30kg lươn về nuôi. Cũng như lần đầu, do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm, Tân lần nữa đối diện thất bại chỉ sau 2 tuần thả giống.
Tân nhận ra vấn đề, tuy có lòng đam mê nghề nuôi lươn nhưng Tân không có kinh nghiệm. Do đó, cùng năm 2009, Tân thi đậu vào Trường Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, ngành nuôi trồng thủy sản với quyết tâm, nắm bắt kỹ thuật nuôi lươn. Trong thời gian đi học, Tân tiếp tục mua lươn giống về nuôi – “vừa học, vừa hành”. Kiến thức từ giảng đường được cùng những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi lươn ở Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai… giúp Tân vững vàng, tự tin hơn. Đến tham quan điểm nào, Tân cũng tìm hiểu cặn kẽ, để nắm bắt kỹ thuật, thấy được ưu và khuyết điểm của từng mô hình và giữ liên hệ thường xuyên với những người có kinh nghiệm. Năm 2013, Tân bắt đầu ăn nên làm ra với nghề nuôi lươn và còn thực hiện thành công cho lươn sinh sản bán nhân tạo. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Tân tiếp tục học liên thông và tốt nghiệp đại học năm 2014.
Hiện mô hình nuôi lươn của Tân được nhân rộng với quy mô khá lớn. Trong đó, có 11 bể lươn sinh sản; diện tích mỗi bể là 10m2, Tân thả 100 lươn bố, mẹ. Mỗi năm lươn sinh sản 2 lần, năng suất trung bình từ 70.000 – 80.000 con giống/năm. Tân còn nuôi 7 bể lươn thịt. 2 năm gần đây, Tân nuôi khoảng 10.000 cá cảnh tai tượng da beo/năm. Tân phấn khởi nói: “Hiện giá bán cá tai tượng da beo khoảng 10.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập từ mô hình nuôi lươn, cá cảnh đạt hơn 150 triệu đồng/năm”.
Mô hình nuôi lươn của Nguyễn Thành Tân ngụ khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy
26 tuổi, Tân có hơn 8 năm kinh nghiệm chăn nuôi và tích lũy cho mình vốn liếng kha khá. Bà con trong xóm không biết anh Tân kỹ sư mà chỉ nhớ mỗi anh nông dân chân chất, đam mê chăn nuôi, nhất là “có duyên” với… lươn. Không chỉ giàu nghị lực, vững kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, Tân còn rất nhiệt tình trong công tác đoàn thể và được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội nông dân khu vực Bình Dương. Tân cũng là một trong những điển hình vượt khó, làm kinh tế giỏi được UBND quận Bình Thủy tặng Giấy khen dịp sơ kết 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tháng 11 năm 2017.
Tâm Khoa