Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025! - Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025)!

Kết nối tìm đầu ra cho sầu riêng Phong Điền

Mới đây, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với UBND huyện Phong Ðiền giao lưu kết nối giữa Trung tâm Ðiều hành bán lẻ Satra Cần Thơ với Hợp tác xã (HTX) Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện phong Ðiền nhằm tìm hướng tiêu thụ sầu riêng của HTX đang vào chính vụ thu hoạch. Ðây là một trong những nỗ lực của ngành chức năng nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản địa phương.

Theo các HTX, việc tiếp cận được với các hệ thống bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là cơ hội để HTX yên tâm mở rộng diện tích trồng trọt cũng như đầu tư nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, cho biết: Nhờ sự liên kết, tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định với số lượng lớn giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. HTX sẵn sàng sản xuất hàng hóa đúng tiêu chuẩn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ngoài sầu riêng, HTX dự kiến khôi phục lại diện tích trồng ổi ruby (ruột đỏ) với diện tích khoảng 80ha, sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặt hàng ổi ruby trước đây ngoài cung cấp cho thương lái, HTX còn sản xuất theo yêu cầu của Công ty Vườn trái Cửu Long.

Lãnh đạo Sở Công Thương, UBND huyện Phong Điền cùng đại diện Satra tham quan vườn sầu riêng của xã viên HTX Trường Trung A.

Huyện phong Ðiền có tổng diện tích cây ăn trái là 8.500ha, trong đó có trên 200ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; riêng diện tích trồng sầu riêng khoảng 2.000ha, diện tích cho trái trên 1.000ha, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thới. Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối giữa các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản với các HTX để tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân.

Thông qua các hoạt động kết nối, hàng hóa của HTX tại TP Cần Thơ đã bắt đầu xuất hiện trên quầy kệ của các nhà bán lẻ hiện đại. Không dừng lại ở đó, thành phố còn thúc đẩy liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp xuất khẩu để nông sản được “xuất ngoại”. Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Việc kết nối tìm đầu ra cho trái sầu riêng giữa Satra và HTX Trường Trung A như một điểm khởi đầu trong hành trình đưa sầu riêng vào hệ thống cửa hàng Satra Food tại Cần Thơ và có mặt trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng Satra tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, hướng đến xuất khẩu sầu riêng. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo Satra và các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng hợp tác, tìm đầu ra cho nông sản của Cần Thơ”.

Bà Nguyễn Thị Út Lài, Giám đốc Trung tâm Ðiều hành bán lẻ Satra Cần Thơ, cho biết: “Tại TP Cần Thơ, hệ thống Satra Food có 8 cửa hàng. Mới đây, Satra ký hợp tác với Ba Lan xuất khẩu nông sản. Dự kiến, mỗi tháng sẽ xuất khẩu 560 tấn bưởi da xanh và 560 tấn sầu riêng (đạt chuẩn Global GAP), do vậy Satra rất cần nguồn hàng để cung ứng. Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng cho bà con huyện Phong Ðiền tại hệ thống Satra Food tại Cần Thơ với khoảng 400-500kg/tuần. Tùy theo tình hình thực tế, đặc biệt khi sầu riêng chín rộ với số lượng lớn, chúng tôi cũng có thể hỗ trợ kết nối đưa hàng vào các cửa hàng thuộc hệ thống Satra Food tại các tỉnh, thành lân cận”.

Ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, cho biết: Huyện triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt nỗ lực kết nối tiêu thụ để ổn định đầu ra nông sản. “Ðể việc kết nối thành công, cần có ký kết giữa 3 bên là Doanh nghiệp - HTX - Chính quyền, bởi thực tế, đã không ít trường hợp “bẻ kèo”. Trong hợp tác, lợi nhuận phải được tính toán hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân. Chẳng hạn như hai bên khi ký kết hợp tác cần đưa ra mức giá sàn và có sự giám sát của chính quyền. Tuy nhiên, khi mua bán nên tùy vào tình hình thị trường mà hai bên cần có sự chia sẻ. Ví dụ như nông dân có thể giảm giá bán cho doanh nghiệp nếu giá hàng hóa nông sản đang xuống thấp hoặc doanh nghiệp tăng giá thêm cho người nông dân nếu giá hàng hóa nông sản trên thị trường đang ở mức cao. Có như vậy, bà con yên tâm đầu tư sản xuất cung ứng đủ hàng hóa theo đúng chuẩn doanh nghiệp đưa ra” - Ông Nguyễn Văn Út Em, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng, để phát huy hiệu quả và nâng cao giá trị cho trái sầu riêng đặc sản Phong Điền, vùng trồng cần khắc phục một số vấn đề như quan tâm bao phủ tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích trồng để thống nhất chất lượng; việc đầu tư khoa học kỹ thuật tại các vườn còn ít; chưa xây dựng được mã vùng trồng cho trái sầu riêng, bởi đây là điều kiện để sản phẩm hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nhà vườn cần nghiên cứu “rải” vụ để có hàng hóa cung ứng quanh năm, đồng thời nghiên cứu hợp tác với các đối tác để xây dựng khu trữ hàng… để không bị động khi thị trường có diễn biến bất lợi.

 

Nguồn: Báo Cần Thơ