CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Khẳng định thương hiệu, nâng giá trị nông sản Cần Thơ

Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đặc sản tại các quận, huyện. Hướng đi này góp phần thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản, nhất là những sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của thành phố.

Thu hoạch vú sữa tại Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A

Mở ra triển vọng

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: Cuối năm 2015, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định số 3408/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ nhằm hỗ trợ các cá nhân, cơ sở và các tổ chức đăng ký nhãn hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của thành phố. Ðồng thời, hỗ trợ các chủ thể (cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp,...) ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm qua các kỳ hội chợ và hội thi trái ngon. Từ nền tảng này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với các quận, huyện và ban ngành hữu quan tiến hành khảo sát, chọn hộ để hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ, tư vấn đăng ký nhãn hiệu nông sản. Trung tâm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 9 sản phẩm, đến nay đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 4 chứng nhận nhãn hiệu nông sản: vú sữa Trường Khương A (huyện Phong Ðiền), mãng cầu Thới Hưng Cờ Ðỏ (huyện Cờ Ðỏ), đậu nành rau Thy Tám và mận ngọt Chín Phường (quận Thốt Nốt).

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, chia sẻ: “Sau 2 năm nỗ lực, vú sữa Trường Khương A đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể. Những năm qua, vú sữa Trường Khương A tiêu thụ khá tốt tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Và nay, nhãn hiệu được bảo hộ sẽ tiếp thêm động lực, tăng uy tín để sản phẩm của hợp tác xã chúng tôi được nhiều người biết đến và vươn xa hơn nữa ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, nhãn hiệu “Mãng cầu Thới Hưng Cờ Ðỏ” được bảo hộ là cơ hội để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và gây dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm mãng cầu Thới Hưng. Xã Thới Hưng hiện có trên 4.000ha diện tích cây ăn trái, trong đó, có khoảng 500ha trồng mãng cầu na và mãng cầu xiêm với sản lượng mỗi năm khoảng 8.000-9.000 tấn/năm. Diện tích mãng cầu được trồng tập trung ở ấp 6 và ấp 7. Cùng với việc đầu tư phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng, huyện cũng phát triển 2 nhãn hiệu trà mãng cầu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và Hợp tác xã Mãng cầu Thới Hưng đang sản xuất rượu mãng cầu để xây dựng nhãn hiệu rượu mãng cầu Cờ Ðỏ.

Không ngừng nâng chất lượng

Có thể thấy rằng, việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản Cần Thơ là hướng đi tất yếu, nhất là trong bối cảnh yêu cầu từ người tiêu dùng ngày càng cao ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại Cần Thơ trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập: tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến nguồn nguyên liệu không đồng đều, chất lượng không ổn định; nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn… Một số nông dân, cơ sở sản xuất chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nên thiếu hợp tác, làm ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển thương hiệu nông sản. Mặt khác, đâu đó vẫn có tình trạng khi được Nhà nước hỗ trợ làm mô hình điểm thì rất tốt nhưng sau khi đơn vị hỗ trợ rút lui việc phát triển, nâng chất thương hiệu nông sản có dấu hiệu tuột dốc…

Theo ông Nguyễn Thanh Hừng, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững và phát triển thương hiệu càng khó khăn hơn. Vì vậy, bên cạnh việc duy trì và mở rộng vùng trồng, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ nhà vườn, nông dân, hợp tác xã phát triển sản phẩm theo hướng vừa đảm bảo số lượng vừa đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Ngoài ra, các bên có liên quan cũng cần phối hợp đa dạng hóa sản phẩm để tạo dấu ấn, tăng độ nhận diện thương hiệu trên thị trường. Về phía ngành Nông nghiệp thành phố sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá để mở rộng kênh tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản đã được đăng ký thương hiệu ở cả kênh trực tiếp và sàn thương mại điện tử.

Nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới… Trong đó, một số nhiệm vụ ưu tiên thực hiện như: xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM; xây dựng và phát triển thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng; phát triển thương hiệu Gạo Cần Thơ; phát triển thương hiệu Bánh tét lá cẩm Cần Thơ; phát triển thương hiệu Nhãn IDO Ðồng Tâm… Song song đó, thành phố cũng tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chủ thể quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Nguồn: Báo Cần Thơ