CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL

Là trung tâm thương mại lớn của cả nước, hiện có khoảng 80% nguồn cung cho thị trường TP Hồ Chí Minh đến từ các tỉnh ÐBSCL. Mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương ÐBSCL là phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, kết nối năng lượng - du lịch - hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, bình ổn và phát triển thị trường… Ðặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, cho thấy cần liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL...

Nhờ có sự kết nối với hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ nên luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng hóa với giá bình ổn. Trong ảnh: Hoạt động mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Càng khẳng định hiệu quả liên kết

Từ năm 2019, Sở Công Thương 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Các giải pháp bình ổn giá đã dược thống nhất: Khi xảy ra các biến động bất thường về giá cả một số mặt hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ Tết tại địa phương trong khu vực thì các địa phương có trách nhiệm thông báo với nhau để hỗ trợ, huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa kịp thời nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra sốt giá cục bộ.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận định, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong đó có  ÐBSCL là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. Nhờ vậy, các hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với các địa phương ÐBSCL, tại TP Cần Thơ, từ sự liên kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các địa phương, nhiều năm qua, hàng hóa trên thị trường luôn ổn định về nguồn cung và giá cả, không xảy ra tình trạng đứt gãy. Ngay cả trong cao điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, từ sự liên kết của các hệ thống phân phối lớn (siêu thị), hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng; ở một số thời điểm, sự đứt gãy chỉ xảy ra cục bộ và nhanh chóng được cung ứng.

Trong giai đoạn các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, từ tháng 6 đến tháng 9-2021, chuỗi cung ứng giữa các địa phương bị đứt gãy. Ðó là, nông sản ÐBSCL không tiêu thụ được, rớt giá. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, người dân khó có thể tiếp cận được nguồn hàng, giá tăng đột biến. Có thể thấy rằng, quan hệ giữa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL là quan hệ cộng sinh hai chiều. TP Hồ Chí Minh vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản, vừa chế biến thực phẩm cho các địa phương. Các tỉnh, thành ở ÐBSCL mong muốn đẩy mạnh liên kết giữa TP Hồ Chí Minh, nhất là sau khi chứng kiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong giai đoạn các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho rằng, nếu dịch kéo dài 2 tháng nữa, Saigon Co.op không thể nào thực hiện được những sứ mệnh xã hội của mình đảm bảo cung ứng hàng hóa và bình ổn thị trường. Lý giải cho điều này ông Nguyễn Anh Ðức chỉ rõ, thời gian qua nhận thấy có 2 chiều đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa: Sự đứt gãy của từng địa phương, đó là ngay cả những tỉnh lân cận với nhau không có khả năng luân chuyển hàng hóa; đứt gãy liên đới dọc của chuỗi giá trị sản phẩm. Song song đó là sự đứt gãy của ngành công nghiệp bổ trợ cho việc cung ứng và phát triển sản phẩm. Ví dụ dịch vụ logistics bị ảnh hưởng khó khăn của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn chống dịch nên không thể đáp ứng được nhu cầu.

Ông Ðỗ Hòa, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị, cho rằng, hàng hóa của miền Tây không thể nào có lợi thế cạnh tranh về giá nếu không có chuỗi cung cấp tốt. Vì vậy, vùng cần 2 chiến lược rõ ràng, bao gồm chiến lược kết nối với thế giới để xuất khẩu và chiến lược kết nối nội địa giữa vùng và TP Hồ Chí Minh. Khi vạch ra chiến lược cụ thể thì hàng hóa được thiết kế chuyên biệt, tối ưu cho từng chuỗi. Cùng đó, hạ tầng giao thông cũng phải thiết kế một chuỗi vận tải hàng hóa hợp lý, nên tính toán dùng các phương thức đường thủy và đường sắt.

Dồn sức kết nối lại chuỗi cung ứng 

Bình thường mới đồng nghĩa là không quay lại như cũ, do vậy cần thay đổi thói quen sống trước đây để thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Theo các chuyên gia, sự thay đổi không chỉ ở các cấp chính quyền mà còn ở từng doanh nghiệp, từng cá thể trong cộng đồng.

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220110/images/6-1.gif

Nhiều ý kiến cho rằng, ÐBSCL là kho nông nghiệp tại sao không làm siêu thị nông sản, sàn giao dịch để nâng tầm giá trị nông sản. Bởi phần lớn nông sản ÐBSCL tiêu thụ dạng nguyên liệu thô để cho các cơ sở chế biến rồi phân phối trở lại, qua nhiều khâu trung gian, đẩy chi phí tăng… Do vậy, các địa phương trong khu vực ÐBSCL cùng chung tay, liên kết với TP Hồ Chí Minh - trụ cột gắn kết, hình thành trung tâm chế biến nông sản tại đồng bằng và TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ sản phẩm. Ðể giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản, theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất hiện nay chính là dồn sức nối lại chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các mắt xích từ thu hoạch - sơ chế - vận chuyển - chế biến/chợ đầu mối - phân phối - người tiêu dùng, xuất khẩu. Thời gian tới ÐBSCL rất cần những kho lạnh để dự trữ hàng hóa; hình thành trung tâm tích hợp sản xuất và logistics để sản xuất phân phối tại vùng kể cả xuất khẩu.

Ðể thực hiện mục tiêu của chương trình và tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động. Duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Ðồng thời, thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo, quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn an toàn (VietGAP, Global GAP), thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc… Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.   

 

Nguồn: Báo Cần Thơ