Hiện nay, các địa phương trong nước đã hình thành và phát triển ngày càng nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các bộ ngành trung ương, địa phương và chủ thể OCOP đang tích cực liên kết, hợp tác để quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng ...
Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL ở tỉnh Đồng Tháp.
Hình thành nhiều sản phẩm OCOP
Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã triển khai trên cả nước từ năm 2018. Trong hơn 4 năm triển khai, Chương trình đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của các địa phương từ những tài nguyên bản địa, tài nguyên cộng đồng và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn. Ðến nay, cả nước có hơn 7.460 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của hơn 4.060 chủ thể OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP quốc gia… Các sản phẩm OCOP thuộc các nhóm ngành hàng gồm: thực phẩm - đồ uống, thảo dược, vải và hàng may mặc, hàng lưu niệm - nội thất và trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, các sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm hiện chiếm tỷ lệ cao nhất, với 80,6%. Chủ thể OCOP là Hợp tác xã (HTX) hiện chiếm tỷ lệ 38,7% trên tổng số chủ thể, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 25,9%, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác.
Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho rằng: "Các sản phẩm OCOP với kết tinh của văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng cùng với chất lượng cao, đặc thù, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp... đang ngày càng tạo được lòng tin của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Ðặc biệt, từ năm 2021, các sản phẩm OCOP Việt Nam đã được lãnh đạo Chính phủ và Bộ NN&PTNT chọn để làm quà tặng cho lãnh đạo các nước trong các chuyến công tác và sự kiện ngoại giao quốc tế càng làm tăng hình ảnh của sản phẩm OCOP Việt Nam".
Chương trình OCOP đã giúp khai thác, phát huy các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại các địa phương, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX và doanh nghiệp… Từ đó, tạo ra các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã và bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Ðến nay, có 354 chủ thể OCOP kết nối và bán được sản phẩm OCOP ổn định trên các hệ thống siêu thị. Doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã quan tâm tăng cường đặt hàng và ưu tiên đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối, bán hàng của mình. Theo Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP cũng tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Ðồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn. Hiện tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%).
Đẩy mạnh thương mại sản phẩm OCOP
Ðể thúc đẩy thương mại cho sản phẩm OCOP, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương và chủ thể OCOP liên kết, hợp tác để tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ðặc biệt, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL tại tỉnh Ðồng Tháp là dịp để các chủ thể OCOP và đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có các hội thi, hội thảo, hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Chị Nguyễn Thúy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Tre ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: "Tham gia Diễn đàn, công ty có điều kiện gặp gỡ nhiều đối tác để kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nhằm phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm được làm từ sen của công ty như bột sữa hạt sen, sen trà, hạt sen sấy khô, cơm cháy hạt sen, ngũ cốc hạt sen… Công ty đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, sắp tới đây dự kiến phát triển thêm 2 sản phẩm nữa, qua đó không chỉ nhằm phát huy giá trị tài nguyên bản địa để nâng cao thu nhập cho gia đình mình mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Công ty cũng đã liên kết thu mua sen với diện tích trên 5ha, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân".
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống như chợ, cửa hàng và siêu thị, các ngành thức năng và chủ thể OCOP cũng đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua kênh thương mại điện tử. Theo ông Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Ecolotur Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu kết nối, giao lưu, hợp tác "cùng nhau bán hàng, cùng nhau đi chung", công ty đã tăng cường liên kết với nhiều doanh nghiệp để thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử và tham gia thành lập HTX đặc sản Ðồng Tháp từ tháng 1-2021. Ðến nay, HTX đã quy tụ được 60 doanh nghiệp và hơn 400 dòng sản phẩm được đưa ra thị trường. Các sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp là thành viên của HTX đặc sản Ðồng Tháp không chỉ được quảng bá tại Website htxdacsandongthap.com mà còn được đưa lên các "gian hàng chung" tại nhiều sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada, Tiki, LOTTE Mart… Nhờ liên kết, các thành viên tham gia HTX đã được hỗ trợ rất nhiều trong hoạt động thương mại điện tử, chụp hình sản phẩm, viết nội dung thông tin, câu chuyện giới thiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, liên kết, thúc đẩy thương mại cho sản phẩm OCOP là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó về tài chính, nguồn nhân lực và hạn chế về khả năng xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP tuy được các địa phương quan tâm triển khai nhưng còn manh mún và thiếu đồng bộ, chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế trong việc quảng bá và bán hàng bằng các hình thức mới hiện đại, nhất là thương mại điện tử...
Nguồn: Báo Cần Thơ