Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025! - Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025)!

Liên kết vùng tạo sức mạnh cho sản phẩm OCOP

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2018-2020 đã có những kết quả tích cực. Tham gia vào Chương trình OCOP, nông sản đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP hiện nay vẫn là thách thức lớn đối với các địa phương. Để khơi thông đầu ra, các địa phương đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt mong muốn. Do vậy, liên kết vùng được xem là giải pháp để sản phẩm OCOP phát triển mạnh trên thị trường.

 

* Triển vọng OCOP đồng bằng

Tại ĐBSCL, các địa phương đã có bước tiến nhanh trong việc xét chọn công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng được kiểm chứng trên thị trường. Qua đó, có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra.

Tại TP Cần Thơ, thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang được đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu. Năm 2020, thành phố công nhận 3 sản phẩm của 3 chủ thể đạt hạng 4 sao, gồm: trà mãng cầu Kim Nhiên, khô cá tra 1 nắng Út Anh, tranh gạo. Công nhận 12 sản phẩm của 6 chủ thể đạt hạng 3 sao, gồm: khô cá tra tẩm ướp Út Anh, nước mắm cá linh, nước ổi lên men, nhãn Ido Tân Lộc, gạo tím Đức Hưng, hủ tiếu Phục Dân...

Hiện nay vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP hiện nay vẫn là thách thức lớn đối với các địa phương. Để khơi thông đầu ra cho các sản phẩm OCOP, trong những năm qua các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: tổ chức hội chợ về sản phẩm OCOP, ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và các hệ thống siêu thị như Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương. Tuy nhiên các hoạt động xúc tiến này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP đa phần là các doanh nghiệp nhỏ, không đủ các điều kiện về hồ sơ chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, quy mô sản xuất, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu và đặc biệt là gặp rất nhiều khó khăn về logistics.Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn loay hoay và lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

TP Cần Thơ có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: các loại trái cây, mắm, khô, các sản phẩm làm từ gạo…nhưng những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa có thị phần lớn trên thị trường. Khó khăn hiện nay, các sản phẩm sản xuất ra chất lượng chưa cao, khối lượng chưa nhiều, chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, chưa qua chế biến do vậy giá trị gia tăng thấp dẫn đến thu nhập của người dân nông thôn thấp, số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa nhiều nhất là khâu chế biến; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang là bài toán khó, sản phẩm chưa có nhãn mác thương hiệu, tiêu thụ bấp bênh không xác định rõ thị trường chiến lược. Cùng đó, do tác động dịch COVID-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động tập trung đông người như hội chợ triển lãm, kết nối giao thương.

* Kết nối sức mạnh

Tháng 6-2020, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong trong việc mở trung tâm giới thiệu và trực tiếp tổ chức thương mại sản phẩm OCOP tại TP Hà Nội. Từ thành công này, tỉnh Đồng Tháp đã có ý tưởng xây dựng liên kết cấp vùng để cùng tiến công đưa sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng đặc sản đạt chứng nhận OCOP. Đó là các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn trong nước và quốc tế. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Bộ NN&PTNT cũng như sự đồng thuận của các địa phương.

Ngày 21-4-2021, Trung tâm giới thiệu ẩm thực - du lịch - đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL (The Mekong Connect)… chính thức ra mắt tại Grand World Phú Quốc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc phát triển mới đối với hoạt động quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trung tâm đảm nhận 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm; đại diện cho các doanh nghiệp đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại; tổ chức khâu logistics tập trung nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm; tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã bao bì và nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư nhằm tăng quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị sản xuất đáp ứng các đặt hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã xây dựng và thực hiện Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ". Các nội dung của Đề án nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ như: thiết kế bộ phận nhận diện sản phẩm (thiết kế logo, slogan, bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm....), thực hiện video clip giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ...

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết, trong năm 2021 Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP và tiền OCOP của TP Cần Thơ. Theo đó, Trung tâm sẽ tiếp tục tư vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, thực hiện video clip, hình ảnh quảng bá sản phẩm OCOP và hỗ trợ kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm tại các hội thảo kết nối giao thương và hội chợ chuyên ngành về OCOP trong khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, Trung tâm tập trung đẩy mạnh việc tham gia cùng các tỉnh, thành xây dựng khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền và sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL. Thông qua điểm giới thiệu này, các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của vùng ĐBSCL nói chung và của TP Cần Thơ nói riêng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời, đưa các sản phẩm OCOP của các địa phương giới thiệu đến người tiêu dùng thành phố và khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp TP Cần Thơ với hơn 40 mặt hàng kết nối vào 2 điểm bán hàng là: The Mekong Connect tại Vinpearl Grand World Phú Quốc, Phú Quốc, Kiên Giang và Cụm gian hàng ABCD Mekong giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng địa phương tại Siêu thị Tứ Sơn tại Châu đốc, An Giang...

Định hướng thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, TP Cần Thơ phấn đấu phát triển và tiêu chuẩn hóa 50 sản phẩm, dịch vụ hiện có; đồng thời củng cố và nâng cấp 19 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP vừa được công nhận giai đoạn 2018-2020, bao gồm các doanh nghiệp và các hợp tác xã; triển khai phát triển 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ tại Trung tâm giới thiệu ẩm thực - du lịch - đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL (The Mekong Connect) tại huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: CTV

KHÁNH NAM

(chuyên trang Đại đoàn kết Báo Cần Thơ)