Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và nâng cao chất lượng cho các loại nông sản là nền tảng để gia tăng giá trị, tín nhiệm của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là phát triển xuất khẩu. Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương, nước ta không chỉ mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chất lượng cao, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt mà phát triển được nhiều sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn (TPNLTSAT).
Kết quả tích cực
Thời gian qua, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (ở Cần Thơ) đã liên kết với nông dân trồng lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL để xây dựng các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao và từ đó đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm gạo ngon, an toàn.
Đến nay, cả nước đã có 463.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 33.000ha so với năm 2020. Có 16.991ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 1.158ha so với năm 2020. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 69,4% (năm 2021 là 68,8%), các xã này đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo ATTP. Cả nước đã có 7.463 sản phẩm đạt theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tăng 46% so với năm 2021. Các địa phương đã xây dựng và phát triển được 1.668 mô hình chuỗi cung cấp TPNLTSAT…
Theo ông Ngô Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện vấn đề ATTP đã được cải thiện rõ nét nhờ nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp và các bên liên quan đến cung ứng thực phẩm đã được nâng cao. Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã hoàn thiện những chính sách tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPNLTSAT. Chất lượng nông lâm thủy sản cũng được cải thiện và nâng cao. Những nông sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ và sản phẩm được chứng nhận OCOP ngày càng nhiều, có nhiều mô hình áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến và phân phối lưu thông hàng hóa. Đó cũng là điều kiện để chúng ta mở rộng được thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Khắc phục khó khăn hạn chế
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, nền nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản nước ta vẫn còn những hạn chế. Hiện việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm làm sẵn, ăn liền… tăng nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp, cần tiếp tục phấn đấu. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế chưa cao. Nông sản của nước ta còn hạn chế về tính ổn định chất lượng và sản lượng nên việc tiếp cận thị trường, phát triển thị trường còn hạn chế. Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa cao. Vi phạm về ATTP và lô hàng hàng xuất khẩu bị trả về tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, nước ta cũng cần kịp thời đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Địa phương còn thiếu những trung tâm thu mua nông sản và doanh nghiệp lớn thu mua để chế biến sâu. Rất mong Bộ NN&PTNT có những chính sách hỗ trợ để phát triển những kho và tổng kho thu mua nông sản tại các địa phương nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm và kịp thời thu mua nông sản để nông dân an tâm về đầu ra. Khi có các đơn vị thu mua và bao tiêu nông sản, việc tuyên truyền bà con sản xuất theo hướng chất lượng và sạch có nhiều thuận lợi hơn. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, rất mong Bộ cũng tăng cường đặt hàng các viện, trường để phát triển sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm thay thế các loại thuốc hóa học nông dân đang sử dụng”. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để làm tốt công tác quản lý chất lượng và ATTP, đòi hỏi cần sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành, địa phương, cũng như giữa các đơn vị có liên quan trong từng địa phương. Bởi vùng nguyên liệu của chúng ta đan xen giữa các địa phương, Cần Thơ có thể lấy nguyên liệu ở các tỉnh khác và ngược lại, do vậy để quản lý về vùng trồng, mã số vùng trồng, về các cơ sở dữ liệu của vùng trồng… cần có sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, địa phương, nhất là thông qua việc thực hiện chuyển đổi số. Thời gian qua, Cần Thơ đã làm khá tốt công tốt quản lý chất lượng và ATTP nhờ triển khai tốt việc phối hợp với các sở, ngành và các cấp hội Hội nông dân, Hội LHPN và MTTQ. Qua đó, khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, giúp công tác quản lý chất lượng và ATTP được triển khai một cách chặt chẽ và đồng bộ, huy động tốt sự tham gia và cam kết thực hiện của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Bộ NN&PTNT vừa phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản năm 2022. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt… đảm bảo chất lượng, an toàn để gắn kết với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ, hình thành các chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân và chú ý thực hiện tốt việc quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tại các chợ xã, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng… |
Nguồn: Báo Cần Thơ