CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Gợi mở nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa gắn với tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào Khmer

Ngày 19-9-2023, tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, “tạo sinh kế” bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng ĐBSCL”. Hội thảo do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực 4, Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và quận Ô Môn tổ chức. Ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ; ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng với hơn 130 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban MTTQVN các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, các diễn giả, nhà khoa học đến từ các viện, trường... dự hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân gắn với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch cho đồng bào Khmer. Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, “tạo sinh kế” bền vững cho đồng bào. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực… Nhưng, kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Hội thảo nhằm tìm giải pháp, góp phần bảo tồn và phát triển sinh kế cho người nghèo, đồng bào Khmer.

Các đại biểu tìm hiểu về bánh dân gian của đồng bào Khmer.

Tại hội thảo, đại biểu thống nhất nhiều giải pháp, như nâng cao nhận thức trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc Khmer, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc Khmer. Phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Bên cạnh đó là bảo tồn các làng nghề, gắn với phát triển du lịch, nhằm giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người nghèo và đồng bào Khmer…   

Nguồn: Báo Cần Thơ