CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư

Sáng ngày 28/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương, có ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tham dự tại điểm cầu thành phố Cần Thơ, có ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố - chủ trì Hội Nghị; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; đại diện các Ban Xây dựng Đảng Thành ủy, các Tổ chức chính trị - xã hội thành phố; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện cùng tham dự.

Thời gian qua, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ Việt Nam và nhân dân.

Vì vậy, để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về “Phát huy vai trò nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Theo đó, Chỉ thị 18-CT/TW đặt ra yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân về phát huy dân chủ cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền, trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, quan tâm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – nhấn mạnh: Giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp tập trung triển khai 5 nội dung, cụ thể như sau:

1. Tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị; chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị;

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, tập huấn công tác giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan báo chí của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng chuyên trang, chuyên mục đưa tin tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW. Tăng cường đăng tải các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các tài liệu, bài viết, thông tin liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; công khai kết quả giám sát, phản biện xã hội.

3. Chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

4. Phối hợp với cấp ủy cùng cấp kiện toàn tổ chức bộ máy và điều kiện bảo đảm để thực hiện Chỉ thị; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sỹ trí thức, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn và các các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

 5. Tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội.
 
Chúc Xuân