Sáng 15/9, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên phạm vi toàn quốc.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu thành phố Cần Thơ, có ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố; các thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ-pháp luật thuộc ỦD ban MTTQ Việt Nam thành phố; đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; Đại diện Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận.
Qua thời gian gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế. Vì thế, cần phải xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 240 điều, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại hội nghị, đại biểu cho rằng dự thảo chưa xác định rõ phạm vi, xây dựng tiêu chí cụ thể các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội, dự thảo Điều 70 còn gom lại không phân định rõ như Điều 62 Luật hiện hành; trình tự thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa cụ thể, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 81, dự thảo chỉ đề cập các nguyên tắc ở Điều 81 mà quy định về trình tự, thủ tục tại Điều 77 chưa được thể hiện; việc bồi thường tài sản gắn liền với đất chưa cụ thể, chưa thỏa đáng cần xây dựng cơ chế bồi thường đúng, tương xứng giá cả thị trường về thiệt hại. Cần hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm khiếu kiện; góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; các ý kiến về đảm bảo hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phát biểu kết luận, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bởi dự án luật này không chỉ là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân mà còn là một luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của Nhân dân. Theo ông Chiến, Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV. Hội nghị mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo bộ phận chuyên trách tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kèm theo văn bản phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trọng tâm là những nội dung, những ý kiến còn khác nhau gửi cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phân tích, tiếp thu và phản hồi lại theo quy định.
Chúc Xuân