CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Lưu ý khi bảo quản thực phẩm mùa nóng

Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh. Ảnh minh họa

Trước tình hình nắng nóng gay gắt trong những ngày đầu hè năm nay, Cục An toàn thực phẩm có công văn đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai một số biện pháp như: Triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong điều kiện nắng nóng; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện ăn chín, uống chín, uống đủ nước; chú ý dự trữ, đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất... Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, có màu sắc khác thường, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Để người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm cùng hiểu biết và hành động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Tiết trời nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến thức ăn dễ nhiễm khuẩn, ôi thiu. Khi sử dụng các loại thức ăn này, mọi người dễ ngộ độc, rối loạn đường tiêu hóa. Ở nhiệt độ này 5-60 độ C là vùng nhiệt độ nguy hiểm: vi khuẩn phát triển nhanh từ 1 con sau 8 giờ nhân lên 17.000.000 con đủ để gây bệnh hay nhiễm độc.

Do đó, khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Rau quả chỉ có thể bảo quản được 3-5 ngày ở ngăn mát. Thịt cá để ở ngăn đông có thể bảo quản lâu hơn. Tuy vậy, thực phẩm trên thị trường rất dồi dào, nên cũng hạn chế tích trữ thực phẩm lâu ngày sẽ làm chất lượng, giảm độ tươi ngon. Chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống, bếp nấu trong quá trình chế biến thực phẩm.

Mọi người nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín, bảo quản cẩn thận thực phẩm chín, nên ăn trước 2 giờ sau chế biến. Thực phẩm sau khi nấu chín, nếu chưa ăn tới thì nên cất trong tủ lạnh và khi sử dụng nhớ đun kỹ lại thực phẩm. Đối với tủ lạnh, ngoại trừ ngăn đá là vi khuẩn không phát triển được, còn các ngăn làm lạnh khác chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không bảo đảm, thực phẩm sống để cùng với thức ăn đã được nấu chín sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Sau đây là một số gợi ý về bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng:

Bảo quản ở nhiệt độ thấp (đông lạnh): Bằng phương pháp giảm đến nhiệt độ lạnh 0-4 độ C (thực phẩm thông thường, sữa tươi, thịt tươi) hoặc đông lạnh dưới 10 độ C (kem lạnh, thịt cá ướp đá,…)

Bảo quản bằng nhiệt độ cao (nấu, hấp): Thanh trùng kiểu Pasteur: Đun nóng thực phẩm ở nhiệt độ xấp xỉ 70 độ C (trong vòng 20-30 phút) hoặc 85 – 90 độ C (Trong vòng 30 giây đến 1 phút) rồi làm lạnh hạ thấp nhiệt độ đột ngột. Phương pháp thường áp dụng với sữa tươi, nước quả ép. Thanh trùng gián đoạn kiểu Tyndal: Đun nóng 2-3 lần ở nhiệt độ 63-100 độ C, áp dụng trong trường hợp thực phẩm bị biến chất ở nhiệt độc cao. Tiệt trùng thực phẩm: Xử lý nhiệt độ từ 100 độ C trở lên. Phương pháp VHT: Xử lý nhiệt độ ở 132 độ C/giây.

Bảo quản bằng phương pháp làm khô thực phẩm: Sấy khô chân không ở 60-80 độ C; sấy khô bằng luồng không khí nóng 90 – 150 độ C; sấy khô bằng phơi nắng.

Xông khói thực phẩm: Xông lạnh (hay hun khói đối với loại các ướp muối, cá khô); xông nóng hay hấp hơi đối với cá tươi hay ướp lạnh.

Bảo quản bằng muối: Ướp muối, ngâm nước muối. Bảo quản bằng đường: Nồng độ đường thấp nhất là 60% (Ngâm quả bằng nước đường, làm xiro quả,…).

Bảo quản bằng axit thực phẩm PH ≤ 4: Ngâm dấm; làm chua bằng lên men tạo axit hữu cơ như quá trình lên men rượu, bia, sữa chua, muối, dưa, cà.

Sử dụng chất bảo quản: Sử dụng chất bảo quản như: Sulphua dioxit, kali bisulfit, axit propionic, axit sorbic, axit benzoic và các muối của chúng. Bảo quản bằng các chất kháng sinh.

Tiệt trùng bằng tia tử ngoại, bảo quản bằng chiếu xạ: Sử dụng tia electron và tia gama: thường áp dụng trong những nhà máy xuất khẩu thực phẩm.

https://soytecantho.vn/Tint%E1%BB%A9cS%E1%BB%B1ki%E1%BB%87n/Tinho%E1%BA%A1t%C4%91%E1%BB%99ngng%C3%A0nh/tabid/979/Default.aspx?tabid=979&NDID=170763&key=Luu_y_khi_bao_quan_thuc_pham_mua_nong