CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Phát biểu tham luận của ông Nguyễn Trung Nhân tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Chiều ngày 17/10, theo chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, các đại biểu tham gia thảo luận tại các Trung tâm thảo luận của Đại hội. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn Tham luận của ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tại Tổ Thảo luận số 5.
THAM LUẬN 
CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC BỘ MÁY,
THAM MƯU THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CÁN BỘ MẶT TRẬN TỔ QUỐC
 
Kính thưa: Quý đại biểu!
 
Lời nói đầu tiên Tôi xin phép được thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ xin gửi đến Quý đại biểu lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất. 

Kính thưa quý vị! 
 
Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam Thành phố luôn quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, tham mưu thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận vì chúng tôi xác định đây là một công việc rất quan trọng, thường xuyên và quyết định đến chất lượng thực hiện  nhiệm vụ trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. 

Khi thực tốt công việc này chính là thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng “Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” có ý nghĩa rất quan trọng, vì “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 

Hôm nay, thay mặt BTT UBMTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ xin mạn phép được chia sẽ kinh nghiệm của mình với tham luận: Công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, tham mưu thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc.

Kính thưa quý vị! 

Để tăng cường hiệu quả tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương; nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tthành phố Cần Thơ không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa dạng, hướng mọi hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư. Chính vì vậy, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của thành phố. 

1. Về thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành phố: Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực hiện Nghị quyết trên của Trung ương và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố. Đảng đoàn và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố đã quán triệt sâu sắc các qui định của Trung ương và thành phố, đồng thời cũng cân nhắc và xem xét tính đặc thù của hoạt động của Mặt trận và điều kiện của địa phương trong giai đoạn mới. Chúng tôi đã tiến hành xây dựng Đề án tổ chức, nhân sự mới của cơ quan MTTQ thành phố sau khi có chủ trương chấp thuận của Thành ủy; đồng thời tiến hành xây dựng Quy chế, quy định và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan cơ cấu tổ chức và biên chế mới.

Sau Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2024- 2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sử dụng 17 biên chế, gồm 02 ban chuyên môn, 01 văn phòng (01 Chủ tịch; 03 Phó Chủ tịch: 03 Trưởng ban, 03 Phó ban, 07 chuyên viên); 03 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ. Hệ thống MTTQ các cấp thành phố có 34 tổ chức thành viên, 89 vị Uỷ viên Ủy ban; cấp huyện có 516 Ủy viên Ủy ban; cấp xã có 2.892 Ủy viên Ủy ban. Hiện nay mỗi quận, huyện có từ 3- 4 biên chế; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận cấp xã từ 3-4 người; Ban công tác Mặt trận có từ 1-2 người. 

2. Hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn đã chủ động trong công tác phối hợp, tham mưu, tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của Mặt trận, các thành viên của Mặt trận; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thành lập 04 Hội đồng tư vấn, với 56 thành viên; Ủy ban Mặt trận các quận, huyện đã thành lập được 18 Ban tư vấn với 126 thành viên; Ủy ban Mặt trận cấp xã đã thành lập được 102 Ban tư vấn với 639 thành viên. Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố duy trì trực tiếp công dân vào thứ 6 hàng tuần, tư vấn pháp luật theo chủ đề miễn phí cho công dân và hướng dẫn công thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động Mặt trận. Vì vậy, hang năm Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thành phố đến cơ sở. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cơ quan đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên (có 01 Tiến sĩ, 03 Thạc sĩ); đa số cán bộ, công chức cơ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống lành mạnh, đoàn kết, am hiểu công việc, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận đã liên kết, phối hợp các cơ sở đào tạo tổ chức 7 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận, với 848 học viên tham dự; bình quân mỗi năm 02 lớp. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp có trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn. Đồng thời, phân công 27 cán bộ Mặt trận các cấp tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận do Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn những hạn chế như: Một số nơi chưa kiện toàn, bổ sung cán bộ kịp thời khi có sự thay đổi nhân sự; việc bố trí cán bộ chủ chốt Mặt trận cấp xã có nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn; năng lực công tác của một số cán bộ Mặt trận còn hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; chế độ chính sách và kinh phí hoạt đông của Mặt trận còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

3. Về thực hiện các chế độ chính sách cán bộ Mặt trận: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thường xuyên quan tâm đến chế độ chính sách cho hoạt động của Mặt trận nói chung và cán bộ Mặt trận ở địa phương nói riêng. Hiện nay, cán bộ Mặt trận chuyên trách thành phố Cần Thơ đều được hưởng các chế độ theo quy định; các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã hoạt động không chuyên trách, hàng tháng được hưởng hệ số phụ cấp 2,15 mức lương cơ bản; Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư được hưởng hệ số phụ cấp 2,2. Ngoài ra, hàng năm mỗi Ban công tác Mặt trận khu dân cư được hỗ trợ kinh phí hoạt động 5.000.000 đồng/1 năm; tuy mức độ phụ cấp chưa cao nhưng chế độ chính sách trên đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với cán bộ Mặt trận.

Bên cạnh đó, thường xuyên chăm lo thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ, tổ chức tham quan nghỉ dưỡng, quan tâm, hỗ trợ gia đình cán bộ, công chức gặp hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, Ban Thường trực hỗ trợ sinh hoạt phí cho các vị Ủy viên Ủy ban (không hưởng lương), với số tiền 528.040.000 đồng; hỗ trợ kinh phí cho các vị thành viên Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, trên 250.000.000 đồng/năm; đồng thời đề nghị Ban Tổ chức Trung ương hỗ trợ các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tổng số tiền 160.200.000 đồng. Nhờ chăm lo, thực hiện tốt công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ Mặt trận thành phố ngày càng nhiệt tình, tâm huyết, hăng say cống hiến, phục vụ vì lợi ít chung; bên cạnh đó, càng trưởng thành hơn, phát triển về nhiều mặt, chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. 

Có thể nói, nhờ có những chủ trương đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và các giải pháp về công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy, cùng với hệ thống chính sách của địa phương cho đội ngũ cán bộ và hoạt động của Mặt trận nên hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ Mặt trận các cấp thành phố được kiện toàn kịp thời, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó an tâm phấn khởi, gắn bó với tổ chức; Mặt trận các cấp thành phố đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương. 

4. Bài học kinh nghiệm:

- Phải chủ động tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ Thành ủy về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, nhất là việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Công tác tổ chức bộ máy, bố trí, quản lý cán bộ, công chức phải là công tác quan trọng, được quan tâm trước tiên, triển khai thực hiện gắn với vị trí việc làm; 

- Kiện toàn, bố trí, sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở nhiệm vụ được giao của đơn vị (cần chọn lĩnh vực cần ưu tiên qua từng năm); rà soát, đánh giá hoạt động hiệu quả từng cán bộ, công chức theo mô hình hoạt động cụ thể của đơn vị mình (định hướng ưu tiên); 

- Thường xuyên luân chuyển, điều chỉnh, sắp xếp nhân sự và tinh giản biên chế theo quy định để tạo sự sáng tạo, phát huy các sở trường còn tiềm ẩn của cán bộ, công chức. 

- Xây dựng bộ tiêu chí thi đua cơ quan trên cơ sở những chỉ tiêu định lượng, đánh giá thực chất kết quả làm việc của từng cá nhân, từng khối công việc (cấp trên trực tiếp nhận xét cấp dưới) để thực hiện công tác thi đua – khen thưởng;

- Đối với hệ thống MTTQ cấp dưới, Đảng đoàn, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Ban Thường vụ các quận, huyện. Trên cơ sở tình hình thực tế về chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương hướng dẫn Quy chế mẩu, tiêu chuẩn đánh giá đúng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ; qua đó đề xuất xây dựng biên chế bộ máy cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. 

5. Về giải pháp:

Thông qua thực tiễn công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và thực hiện chính sách đối với các bộ Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ kiến nghị, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Một là: Hệ thống Mặt trận các cấp cần phải khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị quan trọng ở địa phương. Cần làm cho cấp ủy Đảng, chính quyền phải quán triệt sâu sắc Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, qua đó để cụ thể hóa về công tác tổ chức, cán bộ, chế độ chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là: Đảng đoàn, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng triển khai các hoạt động hiệu quả, thiết thực và qua đó phát hiện những cán bộ có phẩm chất, kinh nghiệm thực tiễn để để đề nghị cấp ủy Đảng xem xét, bố trí cán bộ ở vị trí cao hơn.

Ba là: Phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổ chức, cán bộ dựa trên những chỉ tiêu định lượng; qua đánh giá lựa chọn, giới thiệu người có năng lực quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí ở vị trí cao hơn.

Bốn là: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải tự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có khả năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, kịp thời nắm được tình hình quần chúng nhân dân, có năng lực, bản lĩnh trong giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là vấn đề dân sinh, an sinh xã hội và dân chủ. 

Năm là: Hàng năm cần quan tâm công tác xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp nhất hành động cụ thể, sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương; có phân công, phân nhiệm rõ ràng và phải kèm theo kế hoạch về tài chính để thực hiện; quan tâm đề xuất các chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận ở cơ sở; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

Sáu là: Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, công tác giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với cán bộ làm công tác của Mặt trận và các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tranh thủ được sự đồng thuận của nhân dân. 

Bảy là: Duy trì định kỳ báo cáo với cấp ủy Đảng, kịp thời xin ý kiến và tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là một điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ; nâng cao chất lượng việc sơ kết, tổng kết thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; qua đó đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Mặt trận cũng như các kiến nghị, đề xuất về công tác tổ chức cán bộ Mặt trận. 

6. Kiến nghị:

- Trung ương sớm ban hành Quy chế mẩu về hoạt động của Đảng đoàn UBMTTQ cấp tỉnh, nhất là chức năng nhiệm vụ và phân công các thành viên trong Đảng đoàn;

- Sớm ban hành Quy định mới thay thế Qui định 212 để thống nhất và thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai hoạt động của MTTQ trong nhiệm kỳ mới. 

Sau cùng, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
 
Xin trân trọng cảm ơn!