Làm việc với lãnh đạo Cần Thơ và cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ hàng loạt các vướng mắc, điểm nghẽn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải xác định việc phát triển Thành phố xứng tầm trung tâm động lực vùng ĐBSCL vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, biến những tiềm năng, lợi thế ít nơi nào có được thành kết quả thực tế, tạo bước đột phá trong phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải xác định việc phát triển Thành phố xứng tầm trung tâm động lực vùng ĐBSCL vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, biến những tiềm năng, lợi thế ít nơi nào có được thành kết quả thực tế, tạo bước đột phá trong phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong chương trình làm việc tại Cần Thơ, chiều 10/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị; tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của thành phố Cần Thơ trong thời gian vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, xử lý các vấn đề tồn đọng và giải quyết các kiến nghị của thành phố.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế Nhà nước và thành phố Cần Thơ.
Kinh tế phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2022
Theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ và các ý kiến tại cuộc làm việc, trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng do đại dịch, GRDP năm 2021 giảm 2,79%. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng GRDP của Cần Thơ phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 8,04%, xếp 21/63 địa phương, cao hơn bình quân cả nước (6,42%). Sản xuất nông nghiệp nỗ lực vượt khó, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng đạt những kết quả tích cực, năng suất tăng, sản lượng đều vượt kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,09%; khách du lịch đến thành phố tăng 55%...
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; khoa học và công nghệ có bước tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung triển khai thực hiện; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Đáng chú ý, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cần Thơ đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhanh chóng cụ thể hóa, đưa các nghị quyết vào đời sống.
Cần Thơ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số nội dung như: Chuyển đổi thêm diện tích đất phi nông nghiệp trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các vấn đề liên quan chuỗi dự án điện-khí Lô B với Trung tâm Điện lực Ô Môn; dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ; dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường kết nối Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và dự án cầu Ô Môn; về Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP); giải quyết một số khó khăn liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tập đoàn kinh tế Nhà nước có ý kiến, thảo luận làm rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị trí của thành phố Cần Thơ; những kết quả, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; có ý kiến cụ thể về những kiến nghị, đề xuất của Cần Thơ.
Thủ tướng: Đưa Cần Thơ phát triển đột phá, xứng tầm trung tâm động lực vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của vùng ĐBSCL và cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.
Riêng trong năm 2021 có 6/17 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó GRDP giảm 2,79%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình cả nước; thu ngân sách Nhà nước chưa đạt dự toán Trung ương giao; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Thu hút đầu tư chưa có bước đột phá; các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân chưa cao; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…
Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền cơ sở tiếp tục phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Cần Thơ, 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, được mệnh danh là "Tây Đô", là trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào có được cả vị trí địa lý, về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm năng phát triển du lịch...
"Quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, việc điều hành phải quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm phải rõ nét hơn để tạo bước đột phá phát triển, xứng tầm trung tâm động lực của vùng. Phải xác định việc phát triển trung tâm vùng ĐBSCL vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tỉnh, thành phố xung quanh để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong muốn của nhân dân và yêu cầu phát triển của thành phố, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả thực tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt chuỗi dự án điện-khí Lô B - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về Cần Thơ và ĐBSCL
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác chỉ đạo, điều hành, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt, nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó, việc nào phải xong việc đó.
Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định (với 3 trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử); nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…).
Thống nhất nhận thức và hành động với phương châm: Suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm bình tĩnh, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa cảng Cái Cui. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi bảo đảm điều kiện cần thiết, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Các đại biểu tham dự chương trình làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch Cần Thơ
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Cần Thơ triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine và chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định; bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên tinh thần sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
"Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát tại các nước châu Âu thì sau khoảng 3-4 tháng, dịch bệnh sẽ bùng phát tại Việt Nam", Thủ tướng nhận định và nhắc lại, vaccine vẫn là vũ khí quyết định, hiệu quả nhất trong phòng chống dịch, cùng với ý thức của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về phát triển Cần Thơ, phù hợp quy hoạch vùng ĐBSCL và cả nước.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cần Thơ cần huy động, tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để Thành phố phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Cần Thơ cần huy động, tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tập trung phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài cho Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Cần Thơ phải chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thành phố. Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trước mắt, cần triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 sắp tới.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tìm đầu ra cho các đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với nhiều đề xuất, kiến nghị của Cần Thơ trên nguyên tắc là phải tháo gỡ, tìm được đầu ra cho các khó khăn, vướng mắc; các bộ, ngành và Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần xuống tận cơ sở, khảo sát thực tiễn, có tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan chuỗi dự án điện-khí Lô B với Trung tâm Điện lực Ô Môn là dự án trọng điểm quốc gia về năng lượng. Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, tiến độ thực hiện các dự án và các khó khăn, vướng mắc liên quan.
Về vấn đề này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, tổng thể trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, khẩn trương báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có việc sửa đổi các quy định của pháp luật nếu cần thiết. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan phát huy trách nhiệm cao nhất, tất cả vì công việc chung trên cơ sở "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, của cử tri.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng đã đi khảo sát thực địa, nghe báo cáo tình hình hoạt động và những khó khăn vướng mắc tại cảng Cái Cui và Tân cảng Cái Cui để nghiên cứu việc phát triển nơi đây thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Hiện nay, gần 20 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu của vùng phần lớn đi qua các cảng ở Đông Nam Bộ, gây tốn kém về chi phí, thời gian.
Chinhphu.vn