Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025! - Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025)!

Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Cần Thơ (1930-2003) - Chương 1: Cộng đồng các dân tộc ở Cần Thơ từ buổi bình minh khai hoang mở đất, lập huyện đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược

Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Cần Thơ (1930-2003)

Chương 1

Cộng đồng các dân tộc ở Cần Thơ từ buổi bình minh khai hoang mở đất, lập huyện đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược

I. Buổi bình minh khai hoang lập nghiệp của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở Cần Thơ xưa

Theo lịch sử Việt Nam và các sách biên khảo về lịch sử khẩn hoang miền Nam, vùng đất miền Hậu Giang được chúa Nguyễn đưa dân vào khai hoang lập ấp, lập làng chậm hơn so với vùng Tiền Giang và các vùng khác của đất Nam Bộ. Riêng vùng đất Cần Thơ xưa được hình thành như một đơn vị hành chính mới thuộc quyền chúa Nguyễn ở miền Hậu Giang vào năm Kỷ Vị (Kỷ Mùi) 1739, mang tên Trấn Giang, nằm bên hữu ngạn sông Hậu.

Vùng đất Trấn Giang hình thành và phát triển ngày càng phồn vinh do công của Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích; có cha là Mạc Cửu, người Hoa vào khai thác Hà Tiên đầu tiên và được chúa Nguyễn phong làm Tổng trấn Hà Tiên năm 1708; mẹ là người Việt Nam). Khi Tổng trấn Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn phong chức Tổng trấn Hà Tiên thay cha và tiếp tục đưa dân đến miền Tây sông Hậu khai hoang lập huyện mới. Nếu trước đây, Tổng trấn Mạc Cửu mở mang xây dựng Hà Tiên như thế nào, thì nay Tổng trấn Mạc Thiên Tứ xây dựng Trấn Giang như thế về mọi mặt: quân sự, kinh tế, thương mại và văn hóa. Từ đó, chỉ mấy mươi năm xây dựng mà dân cư ngày càng đông đúc, nhà cửa, chợ búa phồn vinh, dân trí mở mang,… Các thôn xóm, chợ búa của cộng đồng dân cư Kinh – Hoa – Khmer được xây dựng hai bên bờ sông Hậu, ở các giồng cao. Trong sách Gia Định thành công chí (1765-1825), nhà sử học Trịnh Hoài Đức mô tả: “Sông Cần Thơ phía Tây Hậu Giang, thủ sở Trấn Giang chợ búa trù mật, người buôn bán tụ hội”.

Trong sách Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam đã viết về vùng đất này vào thời đầu của thế kỷ XX như sau: “Sát theo hữu ngạn sông Hậu, mấy giồng cát pha được khai khẩn từ lâu: chợ Châu Đốc, giồng Mỹ Đức (nơi không ngập nước nổi danh nhờ vườn trầu) và Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy rồi đến rạch Cần Thơ với Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, xuống gần biển còn vùng Kế Sách”,v.v..

Đến thời Gia Long, Trấn Giang (Cần Thơ xưa) nằm trong huyện Vĩnh Định thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (vùng Long Hồ, Vĩnh Long xưa). Cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở đây cùng nhau khai hoang, lập làng, xây cất chợ búa. Việc mua bán tấp nập, sung túc. Dân tứ xứ kéo đến lập nghiệp ngày càng đông.

Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), huyện Vĩnh Định được đổi tên là huyện Phong Phú, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Từ đó, tại huyện Phong Phú, dân cư ngày càng đông đúc. Đây là vùng đất có tiếng Hưng Thịnh, yên ổn hơn mọi vùng đất lúc bấy giờ.

Từ buổi bình minh của lịch sử khẩn hoang thời Trấn Giang, những lưu dân đến đây, khai hoang, phá rừng, cỏ hoang, lau sậy để mở đất phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại thú rừng hung tợn như: voi, cọp, sấu, muỗi, vắt, rắn độc,... Những lưu dân ấy đoàn kết gắn bó nhau vượt qua bao gian lao vất vả. Họ còn để lại những câu ca dao:

“Tới đây xứ sở lạ lùng,

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”.

Hay: “Xứ nào vui cho bằng xứ Búng Tàu,

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh t bánh canh”.

Cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer khai hoang mở đất sản xuất gắn liền với kinh tế nông nghiệp (trồng lúa nước, làm rẫy, khai thác cá, săn bắt thú rừng...), tổ chức xóm, làng tạo thành một khối đoàn kết cộng đồng vững chắc, gắn bó nhau trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Những lưu dân đến Trấn Giang khai hoang số đông là nông dân nghèo, là người Kinh ở miền Trung phải rời quê hương theo chính sách di dân của chúa Nguyễn và những người Hoa bất mãn với triều đình Mãn Thanh chạy vào miền Nam Việt Nam lập nghiệp hoặc tìm đến đây mở mang buôn bán. Cư dân đến Trấn Giang gồm nhiều tộc người như Kinh, Hoa, Khmer, gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau như nông dân, thợ thủ công, binh lính, thầy lang, thầy đồ, các nhà tu hành, tín đồ tôn giáo... Cuộc sống cộng đồng dân tộc rất đa dạng và nhiều ngành nghề phát triển như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (nghề rèn, mộc, đan lát,... bốc thuốc trị bệnh, dạy chữ nho, buôn bán v.v.. Thời đó, ở vùng này có ba ngôi chợ: chợ Sưu, chợ Tân An, chợ Thới An Đông. Cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer ở đây đều mang tín ngưỡng tâm linh. Người kinh lập các đình làng thờ “Thành Hoàng bổn cảnh”. Các ngôi đình làng lập sớm như: đình thần Thới An (Ô Môn), được xây cất năm Nhâm Thìn (1832), đình làng Long Tuyền (Giáp Thìn -1844), đình làng Tân An (1880), kế đó là đình Nhơn Ái và nhiều ngôi đình khác trong tỉnh. Người kinh cũng xây dựng các chùa Phật, sớm nhất là Phước An Tự (xã Thới An Đông) vào năm 1788, tiếp theo các chùa khác trong tỉnh như: Hội Linh Cổ Tự, Long Quang, Nam Nhã Đường và hàng trăm ngôi chùa khác ở các quận trong tỉnh. Cộng đồng người Hoa cũng lập các chùa Phật người Hoa, nổi bật nhất Quảng Triệu Hội Quán (chùa ông ở tỉnh lỵ Cần Thơ) năm 1894, chùa Hiệp Thiên Cung ở Cái Răng và các chùa người Hoa khác ở những vùng trong tỉnh có đông người Hoa sinh sống. Phật giáo Khmer lập các chùa Khmer, lâu đời nhất là chùa Pô-Thi-Son-Rôn ở ấp Rạch Chùa, thị trấn Ô Môn, xây dựng năm 1835. Đặc biệt, Cần Thơ có di tích văn hóa “Óc Eo” gắn liền dấu tích dân cư Vương quốc Phù Nam từng có mặt đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ thuở xa xưa. Sách Những hiện vật văn hóa Óc Eo ở Bảo tàng tỉnh Cần Thơ, do Bảo tàng tỉnh Cần Thơ xuất bản năm 1995, có đoạn ghi: “Theo hiểu biết hiện nay, ở Cần Thơ đã phát hiện một số hiện vật văn hóa Óc Eo. Những di tích đó nằm ở các xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Đông Phước, huyện Châu Thành; xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp; xã Thạnh An, xã Thạnh Trung, huyện Thốt Nốt; xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thanh (nay là thị xã Vị Thanh).v.v..”. Như vậy, tỉnh Cần Thơ chỉ mới sưu tầm hiện vật văn hóa Óc Eo ở ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành (nay là huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), còn các nơi khác chưa có điều kiện thăm dò, sưu tầm hiện vật.

Trước đây, người Khmer thường sống riêng biệt ở các phum, sóc trên các giồng cao, người Hoa sống tập trung ở các chợ hoặc những nơi làm rẫy như: vùng Cầu Đúc, Hỏa Lựu. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, cuộc sống của cộng đồng dân cư Cần Thơ có nhiều thay đổi. Nhiều hộ người Kinh, người Hoa, người Khmer sống xen kẽ nhau trong các làng xóm, chợ búa. Từ đó, các dân tộc đã đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, xây dựng đời sống, giúp đỡ nhau khi đau yếu bịnh hoạn, sa cơ thất thế, với tinh thần:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Các ngày lễ tết của người Khmer (Đôn-Ta, Chôl-Sơ-Nam, Oc-Om-Bóc), đua ghe ngo, hội chùa, hát “Dù kê” đã thu hút người Kinh, người Hoa cùng chung vui. Tết Nguyên đán của người Kinh, người Hoa cũng được người Khmer tham gia vui vẻ. Lễ Kỳ yên cúng đình của người Kinh, người Hoa và người Khmer cũng hòa nhập sinh hoạt vui chơi như ngày tết, lễ hội của mình. Các ngày lễ vía lớn của người Hoa, nhất là ngày vía Ông Bổn, hát Tiều suốt đêm, người Kinh và người Khmer cũng đến tham gia. Người Kinh, Hoa, Khmer cũng cưới vợ, gả chồng với nhau, cùng tạo ra mối quan hệ dòng tộc của ba dân tộc càng thêm gắn bó chặt chẽ trên vùng đất miền Hậu Giang nói chung, Cần Thơ (Trấn Giang) nói riêng.

Chính mối quan hệ trong lao động sản xuất, trong cuộc sống mà phong tục tập quán, lễ hội trong cộng đồng các dân tộc được lưu truyền và các dòng văn học dân gian của các lớp lưu dân cùng rời xa quê hương vào đây khai hoang mở đất phát triển, họ quyết lòng sống chết với vùng đất màu mỡ này để lập nghiệp:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê cũ ruột đau chín chiều.

Ruột đau, ruột thắt gan teo,

Vì bởi tôi nghèo tôi mới tới đây.

Hay:

Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi đến đó lòng không muốn về.

Văn hóa dân gian thời ấy mang tâm hồn bản sắc Việt Nam từ miền Thuận Quảng, vượt qua bên này con sông Hậu, cộng với sức sáng tạo của cộng đồng người Hoa, người Khmer đã tạo ra tính cách đa dạng, phong phú của một nền văn hóa vùng đất mới được hình thành. Cộng đồng dân tộc vùng đất Hậu Giang, Trấn Giang còn giữ gìn, duy trì và phát triển văn hóa dân gian và đạo lý, phong tục tập quán, tín ngưỡng cổ truyền.

Vùng đất Cần Thơ thời ấy còn nổi lên một dấu ấn đẹp ở xóm nhỏ Cây Dầu, làng Bình Thủy. Ở đó có cụ Nguyễn Lãm – một sĩ phu không làm quan mà mở trường dạy chữ cho dân chúng. Con gái của cụ là bà Nguyễn Thị Nguyệt (Bà Đồ) cũng nối chí cha dạy học và làm thơ.

Trong cuốn Cần Thơ xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh có ghi: “Từ khi cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có mặt ở xã Long Tuyền (Bình Thủy), cụ Cử Phan Văn Trị lui ẩn ở Phong Điền, cụ Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt cáo quan về hưu ở Hà Tiên, các cụ vẫn thường qua lại với nhau, họp mặt tại Cần Thơ”; “Lại nữa, các cụ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Cử Thạnh, Phan Hiếu Đạo ở Định Tường vẫn tới lui, bảo sao Cần Thơ chẳng được tiếng là trung tâm văn hóa ngay từ thuở xa xưa”. Như vậy, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa) là nơi hội tụ của các sĩ phu yêu nước và những bậc tài ba về văn thơ của thời ấy để bàn luận văn chương và thời cuộc đất nước.

Như thế là sau cụ Nguyễn Lãm và bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở vùng Cần Thơ xưa còn có cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – một trong bốn rồng vàng đất Đồng Nai từ quan về đất Long Tuyền bốc thuốc dạy học, có cụ Cử Trị về Trà Niềng làm thơ và dạy cho con em ở vùng Phong Điền học chữ và đạo lý làm người.

Từ lịch sử hình thành xã hội của những lớp lưu dân đi mở đất thuộc đủ thành phần ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và được thừa hưởng bản sắc văn hóa các dân tộc từng phát huy trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, với xã hội, với mọi loại kẻ thù để sinh tồn và phát triển, nên con người ở Cần Thơ tuy đa số mang bản chất nông dân, nhưng là nông dân miệt vườn tiếp cận một thị tứ lớn nhất trong vùng và là trung tâm văn hóa của miền Hậu Giang. Theo Địa chí Cần Thơ và Lịch sử quân sự Cần Thơ, con người Cần Thơ xưa nay có những đặc tính nằm trong tính cách chung của con người Nam Bộ như sau:

  • Phóng khoáng, hào hiệp, mến khách:

Do điều là những lưu dân đi mở đất nên người dân nơi đây đã hình thành nên tính cách rất đặc biệt, đó là tương thân tương ái, đùm bọc, yêu thương nhau, thể hiện trong đạo lý làm người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình làng nghĩa xóm “thương người như thể thương thân”, thẳng thắn trong lời ăn tiếng nói, sống có nghĩa tình với nhau, sẵn sàng giúp đỡ “hạt muối cắn đôi”. Họ có tấm lòng mến khách, thích giao du kết nghĩa bạn bè, sẵn sàng giúp đỡ người lỡ chân trái bước, thể hiện qua các câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đồng cảm nhau trong quan hệ xã hội của cộng đồng dân tộc.

  • Trọng đạo nghĩa, giữ gìn chữ tín, dũng cảm bênh vực lẽ phải:

Mảnh đất này do chính bàn tay khối óc của họ khai phá nên họ là những người yêu nước, yêu quê hương, trọng đạo nghĩa, coi trung với nước là điều quan trọng nhất của đạo nghĩa làm dân. Họ rất xem trọng người có đức, có tài, kính trọng, biết ơn những vị tiền hiền và các vị trưởng lão, lão nông tri điền để học hỏi những điều hay lẽ phải.

Người Cần Thơ còn có chữ tín, tin cậy lẫn nhau trong cuộc sống, phân biệt ân oán, chính tà, có lòng dũng cảm, thấy lẽ phải là làm ngay, gặp nguy khó là sẵn sàng ứng cứu, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”.

  • Tính mộc mạc thật thà, chân thành, cương trực, táo bạo:

Người Cần Thơ tính mộc mạc, thật thà, nghĩ sao thì nói thẳng ra thế ấy, không khách sáo. Tính mộc mạc chân tình nên bình dị trong quan hệ đối xử, không quan cách, sống trong sạch, trọng nghĩa tình hơn đẳng cấp xã hội.

Người Cần Thơ tính tình thẳng thắn, lòng dạ ngay như “ruột ngựa”, cái đáng yêu khen ngợi thì yêu khen hết mình, cái đáng ghét thì ghét tận đáy lòng, rõ ràng dứt khoát, không lập lờ mà minh bạch rõ ràng. Họ dám nghĩ, dám làm, cái gì đã quyết thì nhất định làm cho bằng được, làm đến nơi đến chốn, “làm ra làm, chơi ra chơi”.

II. Sự chuyển hóa xã hội và cộng đồng dân tộc ở Cần Thơ thời Pháp thuộc

Tháng 8-1858, thực dân Pháp nã pháo và Đà Nẵng và đổ bộ định tiến tới Huế, nhưng đã vấp phải sự chống cự quyết liệt của nhân dân Việt Nam và bị sa lầy giẫm chân tại mặt trận Đà Nẵng trong 5 tháng trời. Đầu tháng 2-1859, chúng chuyển hướng vào Nam, đánh chiếm thành Gia Định rồi tiếp tục đánh chiếm mở rộng ra các tỉnh Định Tường, Biên Hòa. Triều đình Huế không tin nhân dân miền Nam đang nổi lên chống quân Pháp ở khắp nơi, nên tỏ ra bạc nhược và vội vã ký hàng ước dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp (năm 1862).

Chưa thỏa mãn tham vọng, thực dân Pháp tiếp tục đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Tháng 6-1867, Phan Thanh Giản biết quân triều đình không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành cho khỏi sự tai hại. Ông uống thuốc độc tự vẫn, dặn các em, cháu phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ.

Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Tây, thực dân Pháp vấp phải sự chống cự của các sĩ phu yêu nước và nhân dân suốt 20 năm (1867 – 1887) thì tình hình mới tạm ổn định, chúng lập bộ máy cai trị. Riêng Cần Thơ, ngày 23-2-1876, Soái phủ Sài Gòn ra Nghị định lấy huyện Phong Phú, một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ), thủ phủ đặt tại làng Tân An. Từ đó, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia tỉnh ra thành các quận, tổng, làng để cai trị. Lúc đầu chúng chia tỉnh Cần Thơ thành 5 quận, 8 tổng, 72 làng; về sau phân định lại nhỏ hơn để dễ cai trị, vẫn 5 quận (Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn, Cầu Kè), nhưng gồm 10 tổng, 94 làng. Đứng đầu cai trị quận thì có chủ quận (quận trưởng); đứng đầu tổng thì có cai tổng, phó tổng, bang biện, sung biện; các làng thì có ban hội tề gồm 12 vị hương chức. Thực dân Pháp xây dựng bộ máy cai trị đến làng, đến ấp, xóm với những tay sai như: phó hương quản, cai tuần, kìm kẹp chặt chẽ và thực hiện vơ vét tài sản, thuế má của nhân dân, làm cho đời sống các tầng lớp nhân dân thêm nghèo khổ.

Chính phủ Pháp thực hiện chính sách khai thác kinh tế, tài nguyên ở các nước thuộc địa. Ở Cần Thơ, thực dân Pháp cho đào các con kinh xáng dẫn nước ngọt để khai thác đất đai màu mỡ, phát triển nhanh chóng đồn điền để thu gom lúa gạo đem về chính quốc. Việc đào kinh là phương án chiến lược mà thực dân Pháp nghĩ đến, ngay sau khi chiếm Nam Kỳ. Theo nhiều tài liệu đề cập đến thì việc đào kinh được Pháp xem là yếu tố quan trọng để hình thành các vựa lúa ở Cần Thơ và miền Tây sông Hậu...

Tại Cần Thơ, trong 3 năm, từ năm 1901 đến năm 1903, thực dân Pháp cho đào kinh xáng Xà No là một trong bốn con kinh xáng đầu tiên ở Nam Kỳ. Tiếp theo, từ năm 1900 đến năm 1920 đào các kinh Trà Ết (1902), Lái Hiếu (Long Mỹ - Bassac), Thốt Nốt (1908- 1910), Ô Môn (1911 - 1912), Thị Đội, Cái Côn, Quản Lộ (Búng Tàu), Xẻo Vong, Phụng Hiệp - Sóc Trăng. Khi kinh xáng Xà No đào nối liền từ sông Cần Thơ đến Cái Tư, nhánh sông Cái Lớn, đã mở ra giao thông thủy thuận lợi chuyên chở hàng hóa, lúa gạo từ miệt Rạch Giá, Bạc Liêu tấp nập đổ ra Cái Răng - Cần Thơ sang Trà Ôn về Sài Gòn. Nhờ đó, chợ Cái Răng và tỉnh lỵ Cần Thơ phồn thịnh vượt mức, phố lầu san sát. Nhiều chành lúa, nhà máy xay lúa phát triển nhanh tại Cái Răng. Một đường thủy quan trọng thứ hai là kinh Quản Lộ (kinh xáng Búng Tàu) được đào năm 1914 nối liền từ Cà Mau thẳng lên Phụng Hiệp, từ đó ra Cái Côn rồi qua Trà Ôn đi Sài Gòn, con đường rút ngắn rất nhiều, chở lúa gạo thuận lợi. Chợ Phụng Hiệp trở nên hưng thịnh sau chợ Cái Răng. Năm 1908, Chủ tỉnh Outrey đưa kế hoạch biến Phụng Hiệp trở thành giang cảng (port fluvial). Hệ thống kinh đào ở Cần Thơ đã đưa nước ngọt từ sông Hậu làm thay đổi vùng đất phèn mặn, thuận lợi cho việc mở mang trồng trọt phục vụ tư bản Pháp và địa chủ Việt bao chiếm đất đai, lập đồn điền đẩy mạnh khai thác đất đai (1910: 132.000 mẫu, 1920: 202.000 mẫu, 1930: 205.000 mẫu) vận chuyển lúa gạo lên Sài Gòn xuất khẩu, v.v..

Song song với đào các con kinh xáng, thực dân Pháp còn xây dựng một hệ thống đường bộ gồm đường liên tỉnh, nội hạt, xe hơi đi lại được. Đường Cần Thơ đi Long Xuyên được khởi công vào năm 1908; đường Cần Thơ đi Rạch Giá đến năm 1918 hoàn thành; đường Cần Thơ đi Sóc Trăng cũng hoàn tất vào năm 1918... Đến cuối năm 1918, hệ thống đường bộ phần lớn được hoàn thành. Phạm Quỳnh - vị quan triều đình Huế ghi nhận: “Con đường từ Long Xuyên đến cần Thơ tốt lắm, giữa đổ đá, hai bên trồng cây, cái xe bon bon chạy giữa, coi phong cảnh rất ngoạn mục”. Nhà văn Sơn Nam trong sách Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt và văn minh miệt vườn cũng viết: “Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều, xinh xắn, sạch sẽ, phong quang, thật xứng tên là tỉnh đầu của miền Tây (La capitale de L’Ouest). Đường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn các tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn”.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), nền kinh tế nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, do đó thực dân Pháp phải khai thác tài nguyên của các nước Đông Dương toàn diện và quy mô; đồng thời ra sức bóc lột, vơ vét tận cùng của cải dân bản xứ để bù đắp sự sa sút của chính quốc. Cứ mỗi người ở Đông Dương phải đóng góp là 2 cắc, trích trong quỹ của ngân sách Đông Dương còn dư lại. Tiền quyên góp cho nước Pháp khoảng 600 triệu bạc. Đồng thời, thực dân Pháp phát triển mạnh mẽ đồn điền, dùng mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo để tập trung ruộng đất. Thực dân Pháp và địa chủ cấu kết với “quan làng” cứ để cho nông dân tự do khai phá đất hoang, trong lúc đó chúng chạy chọt lo lót cho bọn quan cấp trên đăng ký khai khẩn. Đến khi nông dân khai hoang xong, chúng trưng ra “bằng khoán” buộc nông dân phải dời nhà đi nơi khác, hoặc ở lại làm tá điền, đóng tô cho chúng. Bọn đại địa chủ cấu kết với Đông Dương ngân hàng, Địa ốc ngân hàng, v.v.. cho trung, phú nông, tiểu địa chủ vay nợ, lãi chồng chất, không trả nổi thì chúng tịch bôi ruộng đất. Bọn đại địa chủ cấu kết với bọn thương mại độc quyền đem hàng hóa bán chịu cho nông dân, hoặc địa chủ cùng với quan làng tổ chức cờ bạc, rượu chè, cho tự do hút á phiện, nông dân không có tiền phải vay nợ. Chúng không những vơ vét hết lúa, mà còn xiết ruộng đất. Từ đó, đất tập trung vào các đồn điền Pháp và số địa chủ lớn. Ở Cần Thơ có 3 đồn điền Pháp diện tích lớn nhất là: đồn điền Albert - Gressier (Bảy Ngàn) thuộc huyện Châu Thành, hơn 3.000 ha; đồn điền Paul Eméry (Cờ Đỏ) thuộc huyện Ô Môn, hơn 4.000 ha; đồn điền Labasthe ở Phụng Hiệp, 6.000 ha. Đó là chưa kể 38 tên Pháp có đất trên 1.000 ha và những đồn điền như “Đông Pháp” Trường Long (Ô Môn), Nhơn Ái (Châu Thành), đồn điền Bahambăng và đất Chà Chetty, v.v..

Đại địa chủ Nguyễn Văn Yên (phủ Hàm Yên) ở Cầu kè chiếm 2.000 ha, phó Huy ở Phụng Hiệp chiếm khoảng 800 ha. Hội đồng Tuấn chiếm từ 600 đến 700 ha; ở huyện Long Mỹ, họ Lâm chiếm khoảng từ 4.000 đến 5.000 ha, gánh họ Mai chiếm khoảng từ 3.500 đến 4.000 ha, gánh Huỳnh Tô chiếm 3.000 ha, v.v... Do đó, có đến 70% nông dân bị mất đất.

Trước năm 1929, giá đất chỉ có 500 đồng một mẫu. Nhiều địa chủ đã vay tiền nhà băng để mua đất tích tụ. Bắt đầu từ cuối năm 1929 đến năm 1933, nền kinh tế nước Pháp bị khủng hoảng trầm trọng kéo theo các nước Đông Dương, giá lúa quá rẻ, còn 10 xu đến 20 xu 1 giạ, giá gạo từ 13 đồng 10 xu mỗi 100 kilôgam (vào tháng 4-1930) sụt xuống còn 3 đồng 20 xu (vào tháng 11-1933). Một số lớn trung, tiểu điền chủ vay nợ nhà băng, của Chà Chetty hoặc của đại điền chủ bị buộc vay bằng tiền phải trả bằng tiền, chứ không trả bằng lúa. Khi chưa có kinh tế khủng hoảng, muốn thanh toán 1.200 đồng bạc để trả tiền lãi vay, chỉ cần bán 1.000 giạ lúa. Năm 1933, muốn thanh toán số nợ trên phải bán đến 12.000 giạ lúa, tức là nhiều gấp 12 lần. Vả lại, trong những năm này mùa màng liên tiếp thất bát. Do đó, một số lớn trung, tiểu điền chủ trong tỉnh phải đành chịu phát mãi đất. Điển hình ở xóm Tiều (người Hoa) làng Mỹ Khánh có địa chủ Chệt Thợ vay tiền nhà băng của Chà Chetty phải phát mãi 90% đất.

Người nông dân còn chịu cảnh đói khổ tột cùng, vì sau khi thu hoạch bị điền chủ, điền Tây vơ vét hết, chỉ còn chút ít để đóng thuế thân, trả tiền vay bạc hỏi, phải bán lúa rẻ mạt. Người nông dân bán một giạ lúa chỉ mua được 1 lít dầu lửa (0,11 đồng) và bán hơn 1 giạ lúa mới mua được 1 thước vải, bán từ 20 đến 25 giạ mới đủ đóng 1 suất thuế thân (nam), giá lúa chì 1 cắc 1 giạ. Dân chúng đói khát lầm than, người nông dân Kinh, Khmer thành tá điền, gia đình họ bị cột chặt suốt đời vào đồn điền Tây và địa chủ Việt từ đời ông, đời cha, đến đời con cháu, không có “đất cắm dùi”, đói rách, “quần bô, áo bố”, con cháu thất học, v.v..  Một số nông dân chịu không nổi bỏ ra thành thị kiếm ăn, trở thành người lao động làm thuê trong các xí nghiệp, công ty, làm phu khuân vác, v.v.. Số điền chủ hạng trung bị điền Tây và đại điền chủ Việt ức hiếp nên bỏ ruộng vườn ra thành thị tìm đường kinh doanh: lập hãng xe, tàu, rạp hát, nhà thuốc tây, khách sạn, trại cưa, lò gạch, tiệm vàng, v.v…

Như vậy, từ năm 1920 đến năm 1933, ở Cần Thơ, thành phần xã hội chuyển hóa, phân chia giai cấp và các tầng lớp ngày càng rõ rệt như:

- Giai cấp nông dân tiếp tục chôn chặt với đồng ruộng làm tá điền cho điền Tây, điền chủ Việt, chiếm 90% dân số.

- Giai cấp công nhân và lớp dân nghèo thành thị ở Cần Thơ dần dần được hình thành khi thực dân Pháp và một số điền chủ xây dựng một số ngành nghề công nghiệp như: nhà đèn, nhà máy nước, hãng nước đá, nước ngọt, bia, hãng rượu (ở Cái Răng), trại cưa (ở Cần Thơ, Cái Răng), lò gạch (nổi tiếng là lò gạch Phú Hữu sử dụng máy nổ), các nhà máy xay xát (như nhà máy ông Kho (Bảy Ngàn) lớn nhất Việt Nam, nhà máy xay ở Cờ Đỏ lớn nhất miền Tây); ngoài ra còn có nhà máy Võ Văn Sửu ngang vàm Cái Da, nhà máy Phú Hữu, nhà máy ở Cái Răng lớn nhất trong tỉnh và các chành lúa ở Cái Răng, lớn nhất là chành lúa Lâm Chi Phát. Các hãng xe, hãng tàu cũng phát triển. Các ngành nghề tiểu thủ công phát triển như: trại đóng xuồng ghe, trại mộc, lò bún, lò tương chao, v.v.. Đa số công nhân và lớp dân nghèo thành thị xuất thân từ nông dân bị thực dân, phong kiến, địa chủ tước đoạt hết ruộng đất phải ra thành thị kiếm sống. Từ đó, có một số trở thành công nhân thực thụ, một số ít làm công nhân không chuyên nghiệp, mang tính thời vụ, chưa rời bỏ ruộng vườn. Giai cấp công nhân ở Cần Thơ còn nhỏ bé, do nền công nghiệp ở Cần Thơ chưa phát triển mạnh, nhưng họ bị bóc lột nặng nề, có quan hệ mật thiết với nông dân.

- Tiểu tư sản và tầng lớp trí thức, học sinh được hình thành và phát triển sớm ở trong tỉnh lỵ Cần Thơ, các quận lỵ và vùng dân cư tập trung trong tỉnh. Tiểu tư sản là các tiểu chủ, tiêu thương khi ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ phát triển.

Thực dân Pháp thực hiện chính sách mỵ dân cho mở các trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp ở tỉnh lỵ và các vùng dân cư tập trung trong tỉnh, ở tỉnh lỵ Cần Thơ, vào năm 1903 xây dựng trường nữ tiểu học có một giáo viên người Pháp cai quản; Trường Trung học Cần Thơ (Collège de CanTho) được xây dựng năm 1917, đến năm 1926 mới đủ học sinh các lớp; ngoài ra còn có các trường Trung học tư Võ Văn, Nam Hưng, Bassac; ở làng, mở từ lớp 5 (Cours enfantin)  đến lớp 4 (Cours préparatoire) nhưng rất hạn chế, tại quận mới có lớp 3 (Cours Élémentaire); tại tỉnh lỵ và quận lỵ Cái Răng mới có trường dạy đến lớp nhì (Cours moyen 1è anne Cours moyen 2è anne) lớp nhất (Cours Supérieur) . Khi dinh Tỉnh trưởng và Tòa bố (Tòa hành chánh) của Pháp ở Cần Thơ từ Trà Ôn dời về Cái Răng rồi chợ Cần Thơ, xác lập vị trí tỉnh lỵ Cần Thơ, các công chức của chính quyền thực dân Pháp của tỉnh và các quận mới trở nên đông đảo. Ở Cần Thơ có nhà in và báo chí rất sớm, năm 1911 có nhà in lấy tên Imprimerie de L’Ouest có tờ báo bằng tiếng Pháp (Le Courrier de L’Ouest); năm 1912 có tờ An Hà nhựt báo bằng chữ Quốc ngữ do ông Võ Văn Thơm chủ bút, ông Trần Đắc Nghĩa quản lý. Ở Cần Thơ đã hình thành và phát triển tầng lớp trí thức, học sinh. Những tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, giáo viên, học sinh, v.v… có vị trí kinh tế, xã hội bấp bênh, luôn bị đe dọa phá sản, thất nghiệp, bỏ học, nhất là lực lượng trí thức bị công chức người Pháp và con em địa chủ Tây ức hiếp, nên họ rất bất mãn với chế độ thống trị.

- Giai cấp tư sản dân tộc: Khi thực dân Pháp ở Cần Thơ xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp, thì giai cấp tư sản dân tộc cũng ra đời, nguồn gốc là địa chủ hoặc xuất thân từ công chức, con em của tầng lớp bên trên có trình độ văn hóa, biết kinh doanh theo con đường tư bản chủ nghĩa. Họ mở các hãng, xưởng, trại cưa, nhà máy xay xát, chành lúa, lò gạch, hãng xe, tàu, hãng buôn, kinh doanh vàng bạc, v.v.. Cũng có một số ít người vươn lên từ thợ thủ công, tiểu thương trở thành tư sản dân tộc. Tư sản dân tộc bị bọn tư sản mại bản cấu kết với bọn cầm quyền Pháp chèn ép nên họ có mâu thuẫn sâu sắc với tư sản mại bản và thực dân Pháp. Họ căm ghét bọn này, có tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc.

Giai cấp địa chủ ở Cần Thơ tuy không đông nhưng chiếm đến 68,8% diện tích đất canh tác trong toàn tỉnh (134.842/196.520 ha). Phần lớn địa chủ phản động gian ác cấu kết với thực dân Pháp đàn áp bốc lột nông dân cùng cực đói khổ. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế vào những năm 1929 – 1933, một số trung, tiểu địa chủ bị phá sản ruộng đất lọt vào Ngân hàng Đông Dương, chủ đồn điền Tây, Chà Chetty, nên họ uất ức, mâu thuẩn gay gắt với thực dân Pháp, bọn chủ đồn điền Tây. Dần dần, họ có ý thức về tinh thần dân tộc, có một số khai minh tiến bộ nên ủng hộ và tham gia cách mạng.

Ngoài việc thực hiện việc khai thác đất đai lập đồn điền, thu gom lúa gạo xuất khẩu, bóc lột vơ vét các thứ thuế, v.v.. làm cho nhân dân bần cùng, thực dân Pháp còn gieo rắc các tệ nạn uống rượu, lập các nhà máy và công xi rượu, mở các tiệm hút á phiện, đem lại cho Nhà nước Pháp số tiền hoa chi 1.200.000 quan, cất nhà “xẹt” mở sòng bạc, hốt me đem lại cho Nhà nước số tiền hoa chi 1.400.000 quan, mở trường gà (đá gà ở Cầu Củi), cấp môn bài cho tự do hành nghề mãi dâm, đẩy nhân dân Cần Thơ vào con đường nghiện ngập, trụy lạc, sa đọa tinh thần và đời sống. Chúng cho phép các tôn giáo phát triển trong lúc nhân dân ta đang bế tắc cuộc sống, muốn tìm được thoát khỏi cảnh cơ cực, nghèo đói. Đạo Phật trong người Kinh – Hoa – Khmer có mặt ở Cần Thơ rất sớm khi cộng đồng các dân tộc từ các nơi đến đây khai hoang lập nghiệp. Các chùa Phật người Kinh dần dần được xây dựng đều khắp trong tỉnh. Chùa người Hoa phần lớn tập trung ở các tỉnh lỵ, quận lỵ nơi có đông đồng bào Hoa. Chùa Khmer xây dựng ở những nơi đông đồng bào Khmer sinh sống tại các “sóc” trong tỉnh. Từ khi thực dân Pháp đến Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long vào thế kỷ XIX, các linh mục Pháp cũng đến đây truyền đạo Thiên Chúa và xây dựng nhà thờ. Nhà thờ Công giáo có mặt có mặt ở Cần Thơ khá sớm và nơi sớm nhất so với các họ đạo trong tỉnh là Trà Lồng (nay là xã Long Phú, huyện Long Mỹ) truyền đạo, lập nhà thờ, hình thành họ đạo Trà Lồng. Nhà thờ Chánh Tòa địa phận Cần Thơ khánh thành năm 1916 và các nhà thờ khác lần lượt xây dựng khắp trong tỉnh. (Sau này, khi Hiệp định Giơnevơ ký kết tạm thời chia cắt đất nước làm hai miền, Mỹ - Diệm bắt ép đồng bào Công giáo miền Bắc di cư vào Nam năm 1954; nên từ năm 1956 đến năm 1958, tại Cần Thơ, sau khi đồng bào Công giáo tạm sống ổn định thì các nhà thờ Công giáo được xây dựng, tập trung là vùng Cái Sắn, Thốt Nốt và theo quốc lộ 1 ở Phụng Hiệp và vùng Đại Hải Kế Sách). Đạo Tin Lành cũng có mặt ở Cần Thơ từ thời Pháp thuộc. Lần lượt các đạo giáo khác hình thành và phát triển ở Cần Thơ như: đạo Cao Đài trước năm 1930, Phật giáo Hòa Hảo năm 1939; các đạo Tứ ân Hiếu Nghĩa, Ba Hai, Tịnh Độ cư sĩ, Khuất Thuật, v.v.. ra đời từ năm 1940 đến năm 1945.

Thực dân Pháp lợi dụng tôn giáo để lung lạc tư tưởng quần chúng, thủ tiêu tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh để dễ bề cai trị. Ngoài ra, chúng lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ giữa lương và giáo, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, phá hoại truyền thống lâu đời của nhân dân ta.