THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2024 - 2029 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X!

Ủy ban Dân tộc đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 6 giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022

Sáng ngày 29/6, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Cần Thơ, ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III; ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Đinh Trung Trực - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Dân tộc chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6 năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội địa bàn vùng DTTS và miền núi có chuyển biến tích cực, đúng hướng; an sinh xã hội được đảm bảo, đồng bào các DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đặc biệt ca nhiễm tăng cao, lan nhanh ở hầu khắp các tỉnh/thành vùng DTTS trong Quý I/2022, nhưng có thể nói về tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản được ổn định nhờ hiệu quả từ chính sách tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát từ đầu Quý II/2022, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường và kinh tế dần được mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân vùng DTTS được hồi phục.

Ngoài ra, có 19 địa phương còn ban hành 55 chính sách đặc thù riêng, liên quan đến các lĩnh vực như: phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực... Những chính sách được các tỉnh ban hành nhằm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương, 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành 17/52 nhiệm vụ được giao, 35 nhiệm vụ còn lại đang được khẩn trương triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân tộc còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: Chậm hướng dẫn, ban hành cơ chế và phân bổ vốn cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; điều kiện sống và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động công tác tại địa bàn vùng DTTS và miền núi; chế độ đối với các đối tượng như: học sinh dân tộc nội trú, bán trú, học sinh trường dự bị đại học còn thấp, chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu; một số bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa được hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ kịp thời,...

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và đạt được các mục tiêu, Ủy ban Dân tộc đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đưa ra 6 giải pháp cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc trong 6 tháng cuối năm 2022:

(1) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các vụ, đơn vị, với Ban Dân tộc các địa phương. Phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.

(2) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí, sắp xếp công chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ, sở trường của mỗi người tương ứng với vị trí việc làm.

(3) Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, đặc biệt là trong áp dụng các chế độ thông tin, báo cáo, ban hành văn bản.

(4) Triển khai nắm bắt, kiểm tra, trao đổi thông tin về tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương bằng nhiều hình thức (trực tiếp hoặc trực tuyến); tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

(5) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc đảm bảo đúng theo quy định.

(6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật đối với triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc triển khai tại vùng DTTS và miền núi.

 

KKN