Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025! - Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025)!

Đảm bảo quyền lợi cao nhất của người tiêu dùng

Sau gần 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (QNTD), các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn đã thể hiện được tính thống nhất, phù hợp đảm bảo hiệu quả tạo hành lang pháp lý góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ QNTD. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới, việc thi hành Luật đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc; một số quy định trong Luật không còn phù hợp với thực tế. Do vậy, việc bổ sung, sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế đã được các bộ, ngành, địa phương kiến nghị đến Đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại buổi giám sát công tác về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ QNTD tại Bộ Công Thương và tại TP Cần Thơ.

Các sở, ngành chức năng tại TP Cần Thơ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ QNTD. Trong ảnh: Đoàn công tác của Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Kịp thời, phù hợp

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Bộ Công Thương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ QNTD, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhận định: Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ QNTD và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ QNTD tại Việt Nam.

Tại TP Cần Thơ, hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định nghĩa vụ trong kinh doanh... Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực, thể hiện tính chủ động và hiệu quả, trong đó, nổi bật là việc thực thi các trách nhiệm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thu hồi hàng hóa có khuyết tật; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng khi người tiêu dùng khiếu nại đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình cung cấp.

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết, sau khi Luật Bảo vệ QNTD có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong hơn 10 năm thực thi, các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ QNTD cả nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ QNTD luôn được quan tâm và việc hoàn thiện chính sách pháp luật được thể hiện nhất quán. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, trong thời gian qua, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố căn cứ chính sách, pháp luật về bảo vệ QNTD tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ QNTD trên địa bàn thành phố.

Để phù hợp hơn với thực tiễn

Tuy vậy, công tác bảo vệ QNTD vẫn còn một số bất cập, hạn chế như một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật có liên quan, dẫn tới khó theo dõi, thực hiện không thống nhất. Trước bối cảnh trên, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ QNTD là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, chỉ ra hạn chế trong thực thi Luật Bảo vệ QNTD đó là, công tác ban hành văn bản và tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế do một số quy định của Luật không phù hợp dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Mặt khác, sự ra đời và phát triển nhanh của một số phương thức kinh doanh mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã phát sinh các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới chưa được đề cập trong Luật Bảo vệ QNTD. Vì vậy Luật Bảo vệ QNTD chưa bảo vệ được người tiêu dùng tham gia sử dụng các hình thức kinh doanh hiện đại này hoặc nhiều quy định trong Luật không còn phù hợp với hiện tại; dẫn đến hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương. Đòi hỏi hệ thống pháp luật về bảo vệ QNTD trong thời gian tới cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn và có kế hoạch mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, công chức thực thi công tác bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã có những diễn biến mới, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bản chất bảo vệ QNTD không thay đổi, nhưng phạm vi quá rộng, bao trùm hết các lĩnh vực, do vậy đòi hỏi cần có trách nhiệm, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Việc sửa Luật là cơ hội để khắc phục những bất cập của luật cũ, điều chỉnh những điều khoản xung đột với các luật hiện hành, và bổ sung những điều luật cũ chưa quy định,…

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, xây dựng Luật Bảo vệ QNTD sửa đổi cần giải quyết 4 vấn đề cơ bản: Định nghĩa người tiêu dùng; người tiêu dùng có những quyền cơ bản gì; quy trình, nguyên tắc giải quyết khi có tranh chấp; hệ thống thực thi luật.

Nguồn: Báo Cần Thơ