Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Cầu đi bộ là một trong những công trình mang dấu ấn thành tựu 20 năm TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg về việc thông qua Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đến năm 2050 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam
5 trục động lực, ba vùng phát triển
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch TP. Cần Thơ bao gồm toàn bộ TP. Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.440 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 quận, 4 huyện); phía Bắc giáp An Giang, phía Nam giáp Hậu Giang, phía Đông giáp Đồng Tháp, phía Tây giáp Kiên Giang. Phương hướng hoạt động kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ sẽ được phát triển theo 5 trục động lực, ba vùng phát triển,
5 trục động lực, bao gồm 2 trục ngang: Tuyến trục ngang phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với mục tiêu chủ yếu là phát triển về công nghiệp, du lịch sinh thái, đô thị phía Tây thành phố.
Tuyến trục ngang thứ hai là tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục Quốc lộ 91, đường vành đai phía Tây, đường 920D với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.
Ba trục dọc, bao gồm: Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; Quốc lộ 1A và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó tuyến dọc theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thiên về phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp. Tuyến dọc theo Quốc lộ 1A và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ĐBSCL.
Ba vùng phát triển: Vùng thứ nhất, gồm các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị. Tập trung phát triển mật độ cao, nhất là phía bên trong lộ Vòng cung, tạo thành một đô thị trung tâm cấp vùng đa năng, sầm uất, với những công năng dịch vụ như y tế, giáo dục đảo tạo, thương mại, vẫn hóa-thể thao, nghệ thuật, năng lượng, logistics, trung tâm đầu mối nông nghiệp và liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát huy kết nói sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ và sự tích hợp giữa các công năng. Vùng này sẽ là khu vực chính để Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL.
Vùng thứ hai gồm: Phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh mới phía Bắc, với diện tích rộng hơn, ít công năng hơn, mật độ tháp hơn và ít mối liên kết giữa các tiểu vùng với nhau hơn, do đặc thù cấu trúc tự nhiên của vùng. Các tiểu vùng trong vùng này có những quan hệ chủ yếu với các tỉnh khác qua cấu trúc liên kết vùng, với những kết nối cao tốc, đường thủy, với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cáp, đô thị công nghiệp, thương mại, cảng dịch vụ logistics.
Vùng thứ ba gồm: Một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng bổ sung những hình thức sinh kế mới, như chuyên đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi phù hợp giá trị kinh tế, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại, để tăng thêm nguồn sinh kế cho người dân.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn TP. Cần Thơ
Đô thị động lực của vùng
Mục tiêu đến năm 2030, TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng động lực của vùng ĐBSCL; là thành phố sinh thái, thông minh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; trung tâm y tế chuyên sâu, giáo dục và đạo tạo, đô thị, dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp, chế biến nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5 – 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.
Tỷ trọng GRDP của khu vực nông lâm thủy sản khoảng 5,9%; công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%; dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt từ 11 - 15%/năm.
Về xã hội: dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm (tăng 6.000-7.000 người/năm); đến năm tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt trên 40%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 0,32% vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo…
Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%, bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên, hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Đến năm 2030, TP. Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473ha; tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp khoảng 300ha tại các quận, huyện: Bình Thủy, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.
Dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đáng chú ý vừa được đưa vào quy hoạch theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg là dự án xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, với quy mô từ 4 – 6 làn xe. Trong đó, dự án xây dựng cầu Ô Môn bắt qua sông Hậu kết nối giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư dự toán ban đầu lên đến hơn 9.187 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2030, TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc Xứ Tây Đô
Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng được định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía Tây thành phố, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Sông Hậu,…; phát triển các tuyến xe điện mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép.
Xây dựng trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; phát triển các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng,Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt; nâng công suất cảng hàng không quốc tế Cần Thơ từ 7 triệu hành khách/năm lên 12 triệu hành khách/năm.
Về cảng biển: Xây dựng các trung tâm logistics gắn với cảng biển Cần Thơ; xây dựng các cảng cạn tại các khu công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai và các khu công nghiệp khác trên địa bàn; kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và cảng biển Cần Thơ.
Trong đó, trung tâm logistics tại khu vực bến cảng Cái Cui được quy hoạch xây dựng với quy mô 100ha; trung tâm logítics tại khu vực bến cảng Thốt Nốt được quy hoạch xây dựng khoảng 40ha, dự kiến mở rộng lên 100ha trong giai đoạn sau.
TP. Cần Thơ kỳ vọng vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tiếp tục vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng Chính phủ vào ngày 2-12 sẽ làm kim chỉ nam cho Cần Thơ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sớm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TP.Cần Thơ đối với Vùng ĐBSCL.
Nguồn: baodantoc.vn