THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2024 - 2029 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X!

Thúc đẩy mô hình Chợ 4.0

Mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt với lợi thế giúp cho các tiểu thương và khách hàng thanh toán các giao dịch một cách tiện lợi và nhanh chóng, giảm thiểu các rủi ro mà giao dịch truyền thống bằng tiền mặt gặp phải, nên ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng...

Khách hàng thanh toán qua app VNPT Money khi mua hàng tại chợ An Khánh, quận Ninh Kiều.

Giơ chiếc điện thoại di động lên để quét mã QR thanh toán túi xoài vừa mua tại quầy hàng kinh doanh trái cây tại chợ An Khánh, quận Ninh Kiều, anh Nguyễn Thanh Nam, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho biết: “Trước đây việc thanh toán qua thẻ hay ứng dụng điện tử chỉ áp dụng tại các điểm kinh doanh lớn như trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng. Từ khi việc thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại các chợ tôi thấy rất tiện lợi vì hạn chế được việc phải đi rút tiền, không phải mang tiền theo người, thanh toán lại nhanh chóng”. Còn theo các tiểu thương, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện cho công việc kinh doanh. Ðó là vừa không phải giữ tiền mặt nhiều, không còn chuẩn bị nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách, giao dịch mua bán nhanh chóng…

Thành phố có 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi. Hiện nay 100% các đơn vị đã triển khai thực hiện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thông qua nhiều hình thức như quét thẻ, thanh toán qua ví điện tử, thanh toán qua phần mềm ứng dụng di động bán hàng của doanh nghiệp. Ðặc biệt, tại các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng hiện đại vừa quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng kinh doanh theo hình thức truyền thống (mua bán trực tiếp), vừa đẩy mạnh kênh kinh doanh trực tuyến (bán hàng online qua ứng dụng bán hàng điện tử của doanh nghiệp). Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi dao động từ 7-20 tỉ đồng/năm. Ðối với các siêu thị, trung tâm thương mại từ 37-50 tỉ đồng/năm. Mức tăng trưởng năm 2022 đạt từ 7,4-47% so với năm 2021 tùy theo từng doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, có 3 doanh nghiệp gồm: VNPT Cần Thơ, Viettel Cần Thơ, MobiFone Cần Thơ đang phối hợp với chính quyền triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn. Các doanh nghiệp này triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ thông qua mô hình Chợ 4.0; thực hiện triển khai thanh toán tại các hộ kinh doanh gia đình (tiệm tạp hóa, cửa hàng tư nhân), hiệu thuốc; triển khai ví điện tử trong đóng học phí, chi trả phúc lợi xã hội, thu tiền điện, tiền nước...

Ông Ngô Văn Tứng, Phó Giám đốc Viettel Cần Thơ, cho biết Viettel Cần Thơ đã triển khai mô hình Chợ 4.0 tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, huyện Phong Ðiền và Vĩnh Thạnh. Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình từng bước thu về phản hồi và kết quả tích cực. Chẳng hạn, tại huyện vùng xa Vĩnh Thạnh, chỉ trong 1 tháng đầu tiên đã có 48 tiểu thương kinh doanh bên trong và xung quanh chợ đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money của Viettel và con số tiếp tục gia tăng từng ngày. Ðiều này đã và đang tạo đà để đơn vị tự tin triển khai nhân rộng mô hình rộng hơn. Từ đó, góp phần từng bước hiện thực hóa sứ mệnh phổ cập tài chính số và “Kiến tạo số mới” thông minh hơn, hiện đại hơn.

Triển khai mô hình Chợ 4.0 được thực hiện theo hình thức vận động, khuyến khích, thông qua các chương trình khuyến mại nhằm từng bước tăng số lượng tiểu thương sử dụng ví thanh toán điện tử trên địa bàn. Ðến nay, thành phố đã phối hợp thực hiện chợ 4.0 tại 12 chợ, số lượng tiểu thương tại các chợ tham gia đạt từ 5-20%, tùy theo chợ. Cụ thể, VNPT Cần Thơ đã phát triển được hơn 3.000 khách hàng (bao gồm tiểu thương và người đi chợ), tổng tiền thanh toán các dịch vụ hằng tháng qua ví VNPT Money khoảng 7,9 tỉ đồng; MobiFone có 36 tiểu thương tham gia; Viettel Cần Thơ đã thu hút 69 tiểu thương tham gia sử dụng ứng dụng Viettel Pay trong thanh toán. Bên cạnh đó, Viettel đã triển khai hình thức thanh toán ví điện tử tại 209 nhà thuốc, kết nối chi trả học phí qua ứng dụng tại 69/466 trường học...

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng, các đơn vị viễn thông cần nghiên cứu thực hiện tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng hình thành nên hệ sinh thái tài chính số. Cụ thể, toàn bộ các tiểu thương ở chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số như một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản). Ðồng thời, luôn đổi mới phong cách phục vụ, nâng cấp giao diện ứng dụng, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR... nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân di chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng đó, Viettel bố trí quầy hướng dẫn sử dụng tài khoản, nộp tiền, rút tiền của các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tại chợ cho người dân an tâm khi sử dụng dịch vụ.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song công tác vận động, tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh ứng dụng tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn do đa số tiểu thương là các hộ nghèo, khó khăn, mua bán nhỏ, thu nhập thấp không có điện thoại thông minh để sử dụng; nhiều đối tượng người dân là người lớn tuổi, không dùng điện thoại thông minh; hạ tầng viễn thông và cung ứng wifi miễn phí tại các chợ còn yếu... Ðể khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các doanh nghiệp, UBND quận, huyện tìm giải pháp tối ưu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; tiếp tục thực hiện  tuyên truyền, vận động các tiểu thương, người dân cùng tham gia sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua sắm tại các chợ, siêu thị cũng như sử dụng công nghệ số trong thanh toán..

 

Nguồn: Báo Cần Thơ