CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930-18/11/2024)

Thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp kết nối cung - cầu hàng Việt

Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch COVID-19. Sau hàng loạt các giải pháp mạnh từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố để kết nối cung - cầu, đã từng bước tháo gỡ khó khăn lưu thông, cung ứng hàng hóa… Cùng đó, là sự nỗ lực lớn từ các nhà phân phối lớn, siêu thị, đến nay, thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố phía Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng ổn định, nguồn cung dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 

Linh hoạt giải pháp

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo cung - cầu hàng hóa, nhất là trong thời điểm các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, Bộ Công Thương gấp rút xây dựng phương án và triển khai quyết liệt các giải pháp. Phối hợp cùng chính quyền, sở công thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng tại địa phương. Đồng thời, khẩn trương kết nối cung - cầu giữa các địa phương các nhà sản xuất phân phối theo cơ chế thị trường. Sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương bị thiếu hàng cục bộ, lên phương án tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cung ứng kịp thời cho người dân.

Hoạt động mua bán tại điểm bán hàng bình ổn giá khu vực bãi bồi phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác tiền phương tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tổ công tác có nhiệm vụ nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam, nhất là các tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội; giúp kết nối cung - cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác; phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng cũng như ghi nhận các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố…

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, từ các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đến nay tình hình cung ứng, lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra thuận lợi; nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không xảy ra hiện tượng tranh mua hàng hóa với số lượng lớn để dự trữ, tại các điểm bán đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thành phố hiện có 9 siêu thị, trong đó có 8 siêu thị đang hoạt động (siêu thị GO! tạm ngưng hoạt động), 134 cửa hàng tiện ích đang hoạt động cung ứng đầy các loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, trứng, mì gói, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả tươi,… Cùng đó, Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện tổ chức 46 điểm bán hàng bình ổn, mô hình "mang chợ ra phố". Đặc biệt mô hình "mang chợ ra phố" góp phần hạn chế người dân tập trung mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Co.opmart, Satra Food, Bách hóa xanh, Vinmart+,… đã tăng cường nhân viên phục vụ, xây dựng các phương án kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Duy trì ổn định nguồn cung

Nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước trong việc ổn định cung cầu hàng hóa phục vụ người dân khu vực miền Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo. Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình kết nối cung - cầu nhằm đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định, an toàn đến người dân. Theo đó, Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cung cấp thông tin đầu mối liên hệ của Viettel Post ở các địa phương cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam để cùng phối hợp triển khai Chương trình "Đơn hàng thiết yếu 0 đồng".

Ngày 6-8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2021. Đây là một trong những hoạt động kết nối cung - cầu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản của các tỉnh thành phía Nam đến vụ thu hoạch. Thông qua thông tin kết nối của Tổ công tác đặc biệt, một số hệ thống phân phối như: Saigon Co.op, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Postmart… đã tham gia ký kết và tiêu thụ nông sản cho một số tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cung ứng hàng hóa thiết yếu. Theo đó, Vietnam Post và Viettel Post đang kết nối và phối hợp chặt chẽ với các siêu thị và cửa hàng thực phẩm, doanh nghiệp bình ổn thị trường được các Sở Công Thương giới thiệu. Dưới sự điều phối của 2 Bộ, đến nay đã có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vận chuyển, cung ứng hàng thiết yếu cho các địa phương đang giãn cách như: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Thuận Phong, Lalamove, Supership, Proship... Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ phó Tổ công tác tiền phương tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cho biết, dự kiến tới đây, Tổ công tác sẽ tiếp tục phối hợp với các sở công thương đẩy mạnh chương trình bán hàng lưu động và qua các sàn thương mại điện tử tại các địa phương đang giãn cách xã hội, đặc biệt ưu tiên cung ứng nông sản, hàng thiết yếu trong khu vực phía Nam.

Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn, trước thực tế này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Đặc biệt tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giảm cách xã hội.

 

 

Box

Trong buổi làm việc với các đơn vị chức năng ngày 3-8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đặt mục ra ba nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới: Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là những vùng có dịch; vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh; trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên cả nước, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

(Chuyên trang Đại Đoàn kết báo Cần Thơ)