Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trả lời báo chí trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Theo ông Bình, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII được tiến hành khoa học, bài bản, khách quan và toàn diện.
Không để lọt người không xứng đáng
- Thưa ông, để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang đến rất gần, số lượng và chất lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII so với khóa XII như thế nào?
- Trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Kế hoạch này bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII được tiến hành khoa học, bài bản, khách quan và toàn diện. Ảnh: Việt Hùng. |
Các nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
- Những điểm mới, nổi bật trong phương hướng xây dựng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giới thiệu cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ Đại hội XIII là gì, thưa ông?
- Công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao.
Công tác này cũng được tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hoà, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc… nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Đặc biệt, kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân.
Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hoá cho cả tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.
Các "trường hợp đặc biệt" được thống nhất cao
- Vậy theo cơ cấu và phương án nhân sự đã xây dựng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến có bao nhiêu người, thưa ông?
- Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 người, trong đó 180 ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 người, trong đó 180 ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết. Ảnh: TTXVN. |
- Trường hợp đặc biệt tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII là nội dung nhận được nhiều quan tâm. Các trường hợp đặc biệt được xem xét, giới thiệu như thế nào?
- Xuất phát từ tình hình thực tiễn và căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân; căn cứ yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan.
Từ đó, thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.
- Thưa ông, dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử có những điểm mới như thế nào để góp phần bảo đảm Đại hội XIII thành công tốt đẹp?
- Quy chế bầu cử Đại hội XIII có bố cục gồm 5 chương và 24 điều (như Quy chế Đại hội XII), có một số điểm mới cơ bản.
Trước hết, quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Quy chế nêu rõ việc sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp. Việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của Đoàn đại biểu.
Quy chế làm việc của Đại hội XIII có bố cục gồm 6 chương 16 điều (tăng 1 điều so với Quy chế làm việc Đại hội XII), cũng có một số điểm mới.
Trước hết, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của đại biểu dự Đại hội. Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm của Trưởng đoàn đại biểu và nhiệm vụ của các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tham gia sinh hoạt cùng đoàn đại biểu.
Ngoài ra, quy chế đề cập đến nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu và trách nhiệm của Trưởng ban thẩm tra tư cách đại biểu và nhiệm vụ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng, chống dịch bệnh Covid-19.