Hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa mới, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc không để lọt người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền.
Sáng 21/1, Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trình bày Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khái quát nhiều tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Không giới thiệu người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực
Tiêu chuẩn chung với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đại biểu Quốc hội phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính quán triệt kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội. Ảnh: Minh Quân. |
Ngoài ra, người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách.
Đồng thời, ứng viên phải thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết.
“Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội”, ông Phạm Minh Chính nêu rõ.
Về độ tuổi, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa (nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây).
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021.
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ quân đội, công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Ủy viên Trung ương làm trưởng đoàn ĐBQH không giữ quá 3 chức danh
Về bố trí trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Nếu trúng cử sẽ đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố theo nguyên tắc mỗi thường trực cấp ủy cấp tỉnh không giữ quá 2 chức danh lãnh đạo (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội).
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, các ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 3 chức danh lãnh đạo. Ảnh: Minh Quân. |
Các ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 3 chức danh lãnh đạo.
Liên quan đến nội dung tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý.
Theo đó, với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
Với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải báo cáo và phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
Ngoài các quy định về tiêu chuẩn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt phải chú ý rà soát kỹ lưỡng, thẩm định chặt chẽ hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo quy định.