Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực. Trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng THQG của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, THQG của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỉ USD, duy trì thứ hạng 33 Top 100 THQG mạnh trên thế giới. Ðây được xem là bệ phóng để thăng hạng, tạo sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Hàng hóa thương hiệu Việt chiếm số lượng lớn tại các siêu thị.
Thiết lập vị thế
Sau gần 20 năm phát triển Chương trình THQG Việt Nam (2003-2022) nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như "chìa khóa" giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Kết quả đã có rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Ðặc biệt trong Top 10, con số này đã từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Bên cạnh số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các DN THQG trong Top 10 cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021. Năm 2021 với rất nhiều khó khăn, nhưng DN xuất khẩu vẫn tăng trưởng hơn 20%.
Sau ảnh hưởng dịch COVID-19, các DN THQG ngay lập tức đã thể hiện được tinh thần tiên phong dẫn đầu đổi mới sáng tạo tập trung vào việc phát triển các sản phẩm mang chất lượng cao và đưa ra thị trường. Kết quả này đã thể hiện chủ trương chính sách đúng đắn của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo hỗ trợ trong chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nêu bật ý nghĩa và vai trò quan trọng của Chương trình THQG của Việt Nam.
Chia sẻ chiến lược để thương hiệu chinh phục được người tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, cho biết: DN thành lập cách đây 20 năm, khởi động với mô hình là nhập khẩu hàng gia dụng từ nước ngoài về phân phối tại thị trường Việt Nam. Sau thời gian kinh doanh, chúng tôi trăn trở, công nghệ sản xuất hàng hóa không quá phức tạp, nhân công trong nước lại rất rẻ, tại sao không tham gia sản xuất? Vậy là chúng tôi “bắt tay” vào sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm khi ra đời tiếp cận thị trường rất khó cho dù cùng với mẫu mã đó, công nghệ đó, giá lại rẻ hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu 10-15% nhưng vẫn không được người tiêu dùng chấp thuận. Qua quá trình tìm hiểu nhận thấy, điểm yếu của sản phẩm mình chính là thương hiệu, nghĩa là sản phẩm của chúng tôi chưa có được niềm tin của người tiêu dùng. Xây dựng chiến lược phát triển, DN chấp nhận chịu lỗ để xây dựng thương hiệu với cách làm như giảm giá sâu sản phẩm, thực hiện quảng bá… để cho người tiêu dùng tiếp cận thương hiệu được nhiều hơn.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, DN ngày càng gay gắt, các DN cần nỗ lực, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng DN, trong đó, có DN THQG Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, góp phần tăng cường những lợi ích mà vị thế mới, giá trị mới của THQG mang lại. Mục tiêu 10 năm tiếp theo, từ năm 2020-2030, sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam tham gia gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa du lịch của Việt Nam góp phần xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư.
Chắp cánh
Làm thế nào để thực sự đẩy mạnh được giá trị THQG và làm thế nào để tăng độ phủ sóng sản phẩm của THQG Việt Nam nói riêng, sản phẩm Việt Nam nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế ?. Ðó là những nội dung được đề cập tại Diễn đàn THQG Việt Nam 2022 do Cục Xúc tiến thương mại và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đồng tổ chức ngày 20-4. Tại diễn đàn, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tập trung vào các nội dung quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ, định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập.
Hiện có khoảng 5 triệu người Việt Nam đang học tập, sinh sống ở nước ngoài ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðây được xem là đầu cầu rất tốt để các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế. Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nhân Việt Nam tại châu Âu, cho rằng, với số lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài là tiềm lực lớn về nhiều mặt. Việc kinh doanh thông qua các hình thức: nhập khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu; DN nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam qua và phân phối đến người tiêu dùng, đồng thời đem vào các hệ thống cung ứng của các DN tại nước sở tại. Các DN của người Việt Nam tại nước ngoài còn là nguồn thông tin thị trường cho các DN trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường. Bởi DN muốn tiếp cận bất cứ thị trường nào cũng cần phải có những thông tin về thị trường, thị hiếu, tập quán, luật pháp… Ðặc biệt, với thị trường châu Âu “khó tính”, các DN của người Việt tại nước sở tại với kinh nghiệm và tình yêu đất nước sẽ là nguồn cung cấp thông tin cho các DN trong nước để sản xuất được hàng hóa đáp ứng đúng tiêu chuẩn, thị hiếu người dùng. Bên cạnh đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn tại các nước châu Âu sẽ là những địa điểm lý tưởng để các DN Việt tiêu thụ hàng hóa, đặt gian hàng trưng bày, bảng biểu quảng bá sản phẩm, tổ chức xúc tiến thương mại…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải kỳ vọng, thông qua diễn đàn sẽ đưa ra những kiến nghị đề xuất có giá trị, khả thi, giúp tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có những giải pháp định hướng cho THQG Việt Nam trong thời kỳ mới. Vai trò của doanh nhân kiều bào ngày nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối hằng năm, mà còn góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế. Nhất là trong hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới.
Từ các Chương trình Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình THQG Việt Nam đã chấp cánh cho các thương hiệu Việt thành công hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng với bất cứ một DN. Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu chính là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu đó. DN không thể lợi dụng niềm tin đó để tăng giá hay giảm chất lượng sản phẩm mà DN cần phải có trách nhiệm gia tăng thêm lợi ích cho người dùng. Nếu làm được điều đó thì thương hiệu DN ngày càng được mở rộng thị trường và ngày càng được tin dùng.
Nguồn: Báo Cần Thơ